Những văn phòng riêng được lập ra để đón trả khách trong thành phố của xe hợp đồng limousine luôn tấp nập khách. Còn tại các bến xe quầy bán vé ế ẩm, lượng khách đi xe không nhiều. Trước thông tin đề xuất buộc xe loại hình này phải vào bến để đón trả khách, nhiều lái xe tuyến cố định bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ...
Theo thống kê của Cục Đường bộ VN, cả nước hiện có khoảng gần 400.000 xe kinh doanh vận tải khách. Trong đó, tuyến cố định là 17.000 xe và xe hợp đồng chiếm số lượng áp đảo với khoảng 220.000 xe. Thêm vào đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 78 điểm bến cóc, lợi dụng văn phòng đón trả khách. Dù lực lượng thanh tra thường xuyên kiểm tra nhưng không thể xử lý dứt điểm.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, với hoạt động vận tải hành khách, tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh..., xe hợp đồng vận tải khách phải đúng bản chất hợp đồng, phải vào các bến xe đã đăng ký để dừng đỗ, đón trả khách theo quy định. Riêng tại các đô thị thuộc tỉnh có thể cho phép đón tại nhà, vì khó xảy ra ùn tắc. Vì vậy, theo các chuyên gia giao thông, việc yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải vào bến xe để đón trả khách, vừa lập lại trật tự vận tải, vừa ngăn triệt tận gốc nạn xe dù, bến cóc.
Lâu nay, các xe hợp đồng trá hình hoạt động đã dẫn đến việc canh tranh bất bình đẳng đối với các đơn vị vận tải tuyến cố định. Tuy nhiên, sự tiện lợi của loại hình xe hợp đồng đối với việc đi lại của người dân là không thể phủ nhận. Các chuyên gia nhấn mạnh, các cơ quan quản lý cần tìm hiểu vì sao xe hợp đồng lại đang được ưa chuộng, để tìm cách nâng cao chất lượng hệ thống vận tải khách, tạo thuận lợi đi lại cho người dân, đồng thời không tác động tiêu cực tới trật tự, an toàn giao thông.
Thực hiện: Thu Hương – Trọng Khánh