Năm 1980, một đoàn địa chất tiến hành khảo sát thực địa khu vực huyện Lạc Sơn đã phát hiện dấu vết nguyên thủy tại hang Xóm Trại, gắn với cuộc sống của người xưa, thuộc sơ kỳ thời đại đá mới ở Việt Nam.
Hang Xóm Trại nằm trên độ cao 15m so với mặt thung lũng. Cửa và đáy hang rộng bằng nhau, tạo thành hình vòng cung khá đẹp. Trong hang sáng sủa, thoáng đãng, ánh sáng có thể lọt vào tận đáy hang.
Kết quả các đợt khai quật cho thấy hang Xóm Trại không chỉ là nơi cư trú mà còn là xưởng chế tác công cụ của người tiền sử với hàng nghìn công cụ đá, công cụ xương được ghè đẽo và mài lưỡi cẩn thận thành các loại công cụ tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra, còn có cả tầng vỏ ốc rất dày, là dấu vết nguồn thức ăn của cư dân cổ xưa.
Di tích còn tìm thấy nhiều mảnh gốm, trong đó có những mảnh gốm được trang trí hoa văn rất đẹp và những chiếc rìu nhỏ được mài nhẵn toàn thân có niên đại từ khoảng 3.500 năm đến 3.200 năm cách ngày nay.
Hang Xóm Trại còn để lại nhiều dấu tích của bếp lửa và phát hiện xương người chết chôn theo tư thế nằm co chân bên cạnh bếp. Điều này phản ánh tâm lý của người nguyên thủy muốn người chết ở gần mình hơn, được nghỉ ngơi ở những chỗ sinh hoạt thường ngày như bếp lửa để tránh thú dữ.
Đặc biệt, trong hang còn có một ngôi chùa được ngăn bằng gỗ với nhiều tượng và các đồ thờ tự được dựng cách ngày nay hàng trăm năm. Ngôi chùa nay không còn. Thay vào đó, trong đợt tôn tạo di tích năm 2008, một ngôi chùa nhỏ đã được dựng lại gần cửa hang lấy tên chữ là “Trại Sơn Cốc tự” để làm nơi thờ phụng.
Đến với di tích hang Xóm Trại để tìm về dấu tích người xưa, để hiểu hơn về cuộc sống của những cư dân cổ của văn hóa Hòa Bình cũng như có cơ hội tìm hiểu về văn hoá người Mường ở vùng đất Lạc Sơn.
Việt Hoa - Trọng Đại
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.