Đền mẫu Âu Cơ - Ấm áp một huyền tích xưa
Nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ), Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng nước Việt trong một bọc trăm trứng đã trở thành hình tượng bất hủ sống mãi trong tư tưởng, tình cảm và tâm trí của các thế hệ người Việt Nam.
Tương truyền rằng, xưa kia mẹ Âu Cơ kết duyên cùng cha Lạc Long Quân sinh ra bọc trăm trứng, sau đó nở thành trăm người con, khi các con đã khôn lớn trưởng thành 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên non. Mẫu Âu Cơ cùng các con đã chọn mảnh đất Hiền Lương làm nơi dùng chân, khai sơn, phá thạch, dựng làng lập ấp, dậy dân cày cấy, nuôi tằm, dệt vải…Sau khi vùng đất trở nên đông vui, trù phú, Mẫu hóa về trời để lại dưới gốc đa một dải lụa đào. Nơi dải lụa rơi xuống, nhân dân Hiền Lương đã lập miếu thờ để tưởng nhớ công ơn của Tổ Mẫu.
Bước qua cánh cổng nghi môn được tạc bằng đá nguyên khối, du khách sẽ có thể ngắm nhìn ao sen, công trình kiến trúc đền Mẫu Âu Cơ. Đền có kiến trúc chữ đinh, với 3 gian hậu cung và 5 gian đại bái. Các cột đều được làm bằng gỗ tứ thiết, sơn son vẽ thếp hình rồng. Kết cấu vì kèo theo kiểu chồng rường kẻ bẩy, lợp ngói mũi hài. Trên các đầu dư, đầu bẩy, xà ngang...được chạm khắc tỉ mỉ hình tứ linh và hoa lá. Đặc biệt trên các bức Chạm cốn mê, cửa võng và diềm xung quanh cửa thượng cung thể hiện hết sức công phu hình ảnh tứ linh, tứ quý được sử dụng kỹ thuật chạm bong, chạm nổi điêu luyện và được sơn son thếp vàng lộng lẫy, uy linh.
Gian trong cùng của ngôi đền dựng một thượng cung thờ cao 2,2m, trên đặt khám thờ. Diềm xung quanh cửa khám chạm thủng nhiều lớp đề tài tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai. Trong lòng khám đặt tượng Tổ Mẫu Âu Cơ ngồi uy linh trên ngai, tượng cao 0.95m, thể hiện Mẫu Âu Cơ mình mặc áo đỏ yếm hồng, đầu đội mũi lấp lánh kim cương, cổ đeo vòng vàng, một tay cầm viên ngọc, một tay đặt trên gối thư thái, chân đi hài cong, nước da hồng, khuôn mặt đôn hậu. Pho tượng có niên đại khoảng 540 năm, toàn bộ pho tượng toát lên vẻ đẹp thanh tao, đôn hậu, có giá trị cao về nghệ thuật thẩm mỹ thời nhà Lê. Gian bên ngoài là ban thờ công đồng hội đồng các quan cai quản đền.
Trải qua hơn 5 thế kỷ với nhiều lần trùng tu tôn tạo, được các triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc phong công nhận. Đền Mẫu Âu Cơ trở thành một điểm đến tâm linh và là nơi giáo dục đạo đức, lý trí và lòng yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Nếu có dịp ghé thăm mảnh đất Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ hãy vào thăm quan Khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Mẫu Âu Cơ để cảm nhận rõ nét hơn về sự linh thiêng này.
Thực hiện: Hữu Quảng – Sỹ Thành