Đền Nội Bình Đà - Di sản tiêu biểu độc đáo thờ Quốc tổ Lạc Long Quân
Truyền thuyết tại làng Bình Ðà, khi Lạc Long Quân trên đường mang 50 người con ra biển, đến vùng đất Bảo Cựu (nay là làng Bình Ðà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai), ngài cùng các con dừng chân nghỉ ngơi. Thấy nơi đây đất đai màu mỡ, thế đất mang dáng rồng chầu, hổ phục, ngài quyết định ở lại gây dựng cơ nghiệp. Sau khi Ðức Quốc tổ Lạc Long Quân về trời, ngài được các Vua Hùng và nhân dân an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò). Ðể tri ân công đức của Quốc tổ Lạc Long Quân, dân làng lập bàn thờ tại ngôi đền Nội cùng bức đại tự "Vi Bách Việt Tổ" (Tổ dân Bách Việt) và quanh năm thờ phụng.
Di tích Đền Nội Bình Đà thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân là một trong những di sản tiêu biểu, độc đáo, đã được Nhà nước công nhận Di tích cấp quốc gia lần thứ nhất năm 1985 và được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1991.
Toàn bộ khu Đình (Đền) Nội rộng khoảng 30.000m2, bên trong có các hạng mục: nghi môn ngoại (tứ trụ), nhà cầu Quếch, ao sen (giếng Ngọc), nghi môn nội (cổng ngũ môn), nhà tả mạc, hữu mạc, phương đình, nhà đại bái và hậu cung với kiến trúc cổ truyền cùng nhiều hiện vật cổ…
Đặc biệt, gắn liền với di tích Đền Nội và Đình Ngoại Bình Đà (thờ Đức Linh Lang Đại vương thời nhà Lý) là lễ hội Bình Đà được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội năm 2014. Lễ hội diễn ra từ ngày 26/2 đến 6/3 âm lịch hằng năm (trong đó, ngày 26/2 âm lịch là ngày giỗ Đức Linh Lang Đại vương, ngày 6/3 âm lịch là ngày giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân).
Lễ hội Bình Đà có nhiều điểm đặc sắc với các nghi thức tế lễ được lưu truyền qua hàng trăm năm và nay vẫn được các thế hệ người dân Bình Đà trân trọng lưu truyền đời này qua đời khác.
Đặc biệt, từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội, đều có đoàn thủ từ của đền Hùng – Phú Thọ về dâng hương Quốc tổ Lạc Long Quân và xin rước chân nhang ở hương án Đề nhất của đền Nội về thờ với ý nghĩa cung kính đón Quốc tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch./.
Thực hiện: Thế Hùng – Trọng Khánh