Ở một góc hồ Xuân Hương, Đà Lạt, những thanh niên, già làng người Mạ đang dựng ngôi nhà dài đặc trưng cuối cùng còn tồn tại của người Mạ. Các vật liệu như, lá mây, gỗ căm xe, tre, nứa… là những vật liệu được người Mạ mang đến từ Buôn Go huyện Cát Tiên, Lâm Đồng. Những vật dụng như cây nêu, vật dụng đuổi chim, đuổi heo cũng được các nghệ nhân Mạ chăm chút chế tác. Đây sẽ là không gian triển lãm ảnh, công cụ lao động và tái hiện một số hoạt động trong đời sống của đồng bào dân tộc Mạ.
Nhà báo, nhà Dân tộc học Đinh Thị Nga, người nặng lòng với việc bảo tồn văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, cũng là người sở hữu căn nhà dài cuối cùng của người Mạ ở Cát Tiên, mong muốn, nơi đây sẽ là không gian đặc biệt để du khách dừng chân cảm nhận và trải nghiệm những nét văn hóa vật chất, tinh thần của các dân tộc bản địa thông qua tái hiện các hoạt động như: dệt vải, nhuộm vải bằng lá cây rừng, làm gốm, thử rượu, nướng khoai, bắp... đánh cồng chiêng do chính đồng bào Mạ, Cơ Ho, Chu Ru trình diễn.
Cùng với nhà báo, nhà Dân tộc học Đinh Thị Nga, thương hiệu Việt Nam Silk House cũng sẽ hội tụ trong không gian thời trang, nhiếp ảnh và tơ lụa.
Không gian văn hóa Mạ, Cơ Ho, Chu Ru sẽ đưa du khách quay ngược thời gian về với buôn làng thuở hoang sơ để chiêm nghiệm những di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc ở Tây Nguyên. Đây là một hình thức quảng bá, trao truyền và là thông điệp của những người con của mảnh đất Tây Nguyên muốn bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa thông qua Festival Hoa Đà Lạt 2019.
Mời quý vị xem các chương trình Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng trên Vietnam Journey tại đây./.