Video Tin trong nước

Đến với nhạc cụ dân tộc ở tuổi 60

Có những người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi mới bắt đầu theo đuổi đam mê, đó là chinh phục nhạc cụ dân tộc. Nhờ sự kiên trì, tình yêu vô bờ bến với tiếng đàn dân tộc, họ đã thực hiện thành công giấc mơ chinh phục nhạc cụ dân tộc.
19:18 - 26/09/2019

Vài năm nay tiếng đàn bầu, sau là tiếng đàn tranh đã trở thành một sản phẩm âm nhạc làm vui tại ngõ 1, phố An Trạch TP. Hà Nội. Nhờ tiếng đàn mà bà con chòm xóm thân nhau hơn, tiếng đàn, cốc trà khiến biết bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường ngày như vơi đi. Sau khi sử dụng thuần thục được cây đàn bầu, bà Nguyễn Thị Tú ở phố An Trạch, TP. Hà Nội tiếp tục chinh phục cây đàn tranh và những tiết mục biểu diễn đàn tranh, đàn bầu của bà Tú không thể thiếu vào những dịp hội họp của xóm.

Bà Thanh và bà Tú là 2 học sinh cao tuổi nhất học đàn tranh tại lớp học của Nghệ sỹ Ưu tú Việt Hồng, giảng viên đàn tranh Khoa Âm nhạc Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Dù đã ở tuổi cao, các ngón tay vận động khó khăn nhưng họ vẫn học và đánh được đàn tranh, một nhạc cụ đòi hỏi tai thẩm âm tốt, trí nhớ minh mẫn và bàn tay mềm dẻo. Với những học trò như bà Tú và bà Thanh thì ngoài sự đam mê, nỗ lực không thể không nói tới sự kiên trì của giáo viên dạy đàn tranh. Cô giáo Hồng rất vui vì sau bao cố gắng giờ bàn tay của 2 bà đã mềm mại, uyển chuyển, đánh được những bài căn bản.

Với bà Tú thì cây đàn dân tộc không thể thiếu trong những năm tháng cuối đời. Bà Tú đặt ra mục tiêu 10 năm, phải học và đánh được 3 loại nhạc cụ, và giờ đây, với đàn bầu, bà đã có thể đánh nhuần nhuyễn, Hiện, bà đang tiếp tục theo học đàn tranh và đàn nguyệt. Với 2 bà không chỉ học chơi các nhạc cụ dân tộc vì tìm niềm vui tuổi già, mà mong muốn của họ là tiếng đàn dân tộc được vang xa, lan tỏa rộng rãi, nhiều người biết, yêu và gìn giữ cây đàn dân tộc, như giữ gìn khó báu văn hóa dân tộc truyền thống Việt Nam.

Mời quý vị xem các bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.