Đi tìm cội nguồn chữ Quốc ngữ
Theo công bố mới đây của Nhà xuất bản Thái Hà, chữ Quốc ngữ ra đời sau một quá trình dài từ năm 1618 đến 1625 với sự hợp tác của nhiều người chứ không chỉ một người. Và đa số “tác giả” của chữ Quốc ngữ là người Bồ Đào Nha, người Ý cùng một số người Việt theo đạo Thiên Chúa góp sức.
Như vậy, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (thường gọi là Đắc Lộ) không phải là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Thế nhưng chính ông và rất nhiều giáo sĩ khác thời đó đã có công trong việc nuôi dưỡng và phổ biến chữ Quốc ngữ. Linh mục Đỗ Quang Chính đã dựa trên các tài liệu để lại bởi chính các giáo sĩ và nghiên cứu về giai đoạn hình thành của chữ Quốc ngữ này và ghi chép lại toàn bộ trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ, được Nhà xuất bản Thái Hà xuất bản.
Sự tiếp xúc sâu rộng của tác giả với các tài liệu đầu tay, được phân tích theo một phương pháp sử học chặt chẽ, đã giúp tác giả vạch lại một cách cặn kẽ sự biến chuyển của cách thức viết chữ Quốc ngữ trong nửa đầu thế kỷ thứ 17.
Thực hiện: Vũ Đào – Quốc Hùng