Điều này càng khiến tốc độ già hoá dân số tăng nhanh chóng, đồng thời kéo theo chất lượng dân số giảm. Vấn đề đặt ra hiện nay là một chiến lược dân số tổng quát hơn, trong đó cần chú trọng điều chỉnh mức sinh thay thế ổn định.
Trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Theo đó, tổng tỷ suất sinh giảm từ 3,80 con vào năm 1989 xuống còn 2,09 con vào năm 2019. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, nước ta chỉ có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế, trong khi 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (trên 2,2 con); 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.
Bên cạnh đó, mức sinh ở nước ta hiện nay có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền. Cụ thể, mức sinh của khu vực nông thôn (2,26 con) cao hơn khu vực thành thị (1,83 con) và cao hơn mức sinh thay thế (2,01). Điều đáng nói là xu thế giảm mức sinh đang ngày càng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố.
Mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ làm giảm tốc độ tăng dân số, thúc đẩy quá trình già hóa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lực lao động, suy giảm tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Theo dự báo, tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới tại Việt Nam sẽ thấp hơn 1%/năm. Các chuyên gia nhận định, Việt Nam cần một chiến lược dân số tổng quát và toàn diện hơn nhằm điều chỉnh mức sinh thay thế phù hợp để nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.
Điều chỉnh mức sinh hợp lý mang ý nghĩa sống còn không chỉ với chính sách dân số mà hầu hết các chính sách quốc gia như lao động, việc làm, phát triển nhân lực, an sinh xã hội... Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị đủ điều kiện để thích nghi với một xã hội dân số già và phải nhập khẩu lao động. Vì vậy, điều chỉnh mức sinh hợp lý là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng dân số vì sự phát triển bền vững trong tương lai.
Thực hiện: Anh Vũ, Chí Phương
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.