Video Tin trong nước

Điều gì xảy ra khi học văn không còn là đọc chép?

Làm sao để chấm dứt tình trạng dạy và học theo văn mẫu là một câu hỏi luôn khiến dư luận xã hội quan tâm. Để giải quyết vấn đề này, nhiều trường đã thay đổi cách dạy và học môn văn, giúp học sinh hiểu bài và không khí học tập cũng vui vẻ hơn.
07:12 - 26/02/2023

Khi học văn không còn là đọc chép

Là một giáo viên Văn – Tiếng Việt tại trường quốc tế, cô Nguyễn Hoàng Bình An luôn trăn trở phải làm sao để những học sinh của mình hiểu và yêu môn ngữ văn, không xa rời văn học Việt. Từ suy nghĩ đó, dự án “Truyện Kiều đi vào lòng người” ra đời. Với những hoạt động như: đố Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều…, giờ học văn đã trở nên hấp dẫn và thú vị hơn rất nhiều.

Với cách thức học tập này, học sinh đã được trao quyền làm chủ việc học, kiến tạo kiến thức cho chính mình, phát huy năng lực hợp tác nhóm và năng lực giải quyết vấn đề. Các bạn biết "cách học", "cách làm" để vận dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào cuộc sống.

Tương tự dự án “Truyện Kiều đi vào lòng người”, tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” của Bảo tàng Văn học Việt Nam (Hà Nội) cũng là một mô hình mới cả nội dung lẫn hình thức để du khách mọi lứa tuổi có thể tiếp cận một cách dễ dàng, khám phá những nét văn hóa, điều thú vị thông qua văn học. Với thời lượng khoảng 90 phút, du khách sẽ có những trải nghiệm mới cũng như có cơ hội tìm hiểu nền văn học lâu đời của Việt Nam… 

Có thể thấy, việc ứng dụng các dự án văn học mới này đã giúp cho Ngữ văn trở thành một môn học thực tế và gần gũi hơn với học sinh. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp mới để giảng dạy cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Cần đảm bảo rằng các hoạt động này không chỉ thú vị mà còn có tính giáo dục cao, giúp tăng cường sự quan tâm của học sinh đối với môn học và giúp học sinh phát triển các kỹ năng tư duy và logic./.

Thực hiện: Thúy Vy – Chí Phương