ĐÌNH, CHÙA TRẦN ĐĂNG: CỔ KÍNH VÀ LINH THIÊNG
Đình Trần Đăng thờ danh tướng Cao Lỗ - một trong những người tài kiệt xuất thời mở nước được ghi nhận trong truyền thuyết dân gian. Tương truyền, ông là người đã khuyên Thục Phán An Dương Vương dời đô từ Phong Châu xuống đồng bằng và chọn nơi đóng đô mới chính là vùng Cổ Loa ngày nay. Để xây dựng kinh đô mới cho nhà nước Âu Lạc, An Dương Vương đã tín nhiệm giao cho tướng Cao Lỗ nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy xây thành Cổ Loa. Cao Lỗ còn là người sáng chế ra nỏ liên châu (theo truyền thuyết là nỏ thần) bắn một lần được nhiều phát làm quân giặc khiếp sợ. Là nhân vật truyền thuyết lịch sử được người dân nhiều nơi trong cả nước lập đền thờ cúng.
Đình có nhiều mảng điêu khắc có hoa văn cách điệu mang nghệ thuật nửa cuối thế kỷ 17. Chiếc nhang án ở thế kỷ 18, trên thân để lại nhiều đề tài nghệ thuật như bóng dáng đồ bát bửu, vân soắn, hổ phù rất đẹp. Những dấu vết thời Hậu Lê hiện diện ở kiến trúc tòa đại bái được làm lại vào thế kỷ 19 năm 1860. Nghệ thuật trang trí chủ yếu ở bốn cột gian giữa và bốn cốn đầu đốc. Trang trí trên vì nóc và kẻ chủ yếu là vặn soắn, lá cách điệu, tứ linh trong đó nhiều con rồng nhìn chính diện còn thoảng nét nghệ thuật đầu thế kỷ 18 với mặt lớn trán gỗ.
Liền kề với đình Trần Đăng là chùa Trần Đăng, có tên chữ là Diên Phúc tự. Ngôi cổ tự được xác định có niên đại khởi dựng ít nhất là có từ thời Trần. Dáng vẻ ngôi chùa là kết quả của lần trùng tu thời Nguyễn được giữ nguyên sau những đợt trùng tu tôn tạo từ năm 1951. Mặt bằng xây dựng của chùa có hình “chữ Công”. Chùa có các hạng mục cơ bản như gác chuông, tiền đường, thượng điện, nhà Tổ.
Chùa Trần Đăng có một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông với 33 pho tượng tròn, điêu khắc tinh xảo. Trong đợt trùng tu năm 1951, nhà chùa và nhân dân đã tiến hành một đợt trùng tu tôn tạo di tích và xây dựng mới nhà Tổ trên nền cũ ở phía sau.
Đình, chùa Trần Đăng chính là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đã đi sâu vào tâm thức mỗi người dân nơi đây. Mái đình làng cổ kính rêu phong thờ danh tướng trong truyền thuyết dân gian có công chống giặc ngoại xâm. Ngôi chùa làng linh thiêng là nơi người dân tỏ lòng thành kính trước Phật, cầu mong Phật che chở, ban phúc lành. Tất cả đã góp phần tạo nên vẻ đẹp của quê hương Trần Đăng cũng như lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa làng quê Việt được gìn giữ cho muôn đời sau./.