Đình cổ Hùng Lô – Biểu tượng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Ngôi miếu cổ hiện nay mang kiến trúc thời Lý, là kết quả sau quá trình trùng tu năm 1197 đời Vua Lý Cao Tông, ngoài cửa miếu khắc 3 chữ “Tổ Vương Miếu” nghĩa là miếu tổ của nước Nam. Bước qua cảnh cửa là không gian thờ tự, chính giữa là nhang án cao 2m trên có đặt lư hương lớn, bên trong là hậu cung đặt ngai thờ Vua Hùng được sơn son thếp vàng, phủ một lớp hoàng kim.
Chính từ ngôi miếu cổ này, người dân Hùng Lô xưa đã xây dựng nên một quần thể miếu, đình khang trang.
Bước qua Phương đình, lầu chuông, lầu trống chúng ta đến với tòa đại đình với kiến trúc 3 gian, 2 trái, 4 mái rộng cao 4 góc đao cong vút như 4 cánh hoa xòe nở, trên nóc có đắp lưỡng long chầu nguyệt, một biểu tượng quen thuộc trong kiến trúc chùa, đình của Việt Nam. Toàn bộ nội thất của tòa đại đình đều được sơn son, thếp vàng, lỗng lẫy, uy linh. Đây cũng là nơi đặt ban thờ tam vị Đại Vương, tầng 2 là cung cấm có 3 ngai thờ được sơn son thếp vàng, phủ một lớp hoàng kim, linh ứng với tam vị Đại Vương gồm: Ất Sơn Thánh vương, Viễn Sơn Thánh vương và Áp Đạo quan Đại vương.
Phía dưới nhang án thờ là sập thờ công đồng, hai bên có đôi hạc, lân và nhang án thờ càng tô điểm thêm cho sự uy linh tại nơi thờ tự.
Bước ra bên ngoài không gian chính của đình, đi dọc theo đường vòng cung là nhà thờ Phật và bệ thờ Thần Nông. Ngoài ra, quần thể di tích còn có khu Văn chỉ thờ Khổng Tử, cũng là nơi ghi danh truyền thống hiếu học của nhân dân Hùng Lô.
Ngoài những giá trị về kiến trúc, đình Hùng Lô còn như một bang tàng thu nhỏ giữ nhiều cổ vật quý giá, du khách sẽ có thể được tận mắt chứng kiến bộ kiệu bát cống tráng lệ mang nét điêu khắc cầu kỳ thời Hậu Lê, thế kỷ 17. Cỗ kiệu bát cống được sử dụng để rước hương đăng, đẳng vaath là sản phẩm của địa phương dâng lên Đền Hùng vào ngày giỗ Tổ mùng 10/3 và cả trong lễ hội Làng Hùng Lô.
Thực hiện: Hữu Quảng – Sỹ Thành