Video Tin trong nước

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận những ưu thế của hiệp định CPTPP

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được xem là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, nhiều DN vẫn gặp khó trong tiếp cận những ưu thế từ hiệp định này.
19:10 - 05/04/2021

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chính thức có hiệu lực tại Việt Nam ngày 14/1/2019. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn CPTPP thời điểm đó đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%. CPTPP được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, giúp mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chủ động tận dụng được những ưu thế từ Hiệp định này.

Bên cạnh năng lực cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thiếu thông tin về những cam kết, ưu thế của Hiệp định cũng như thị trường rộng lớn của CPTPP mà mình hướng đến. Chẳng hạn như công ty Antina Việt Nam, đơn vị đã bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm chủ lực: gốm sứ, tinh dầu thiên nhiên vào thị trường Canada, cho rằng thông tin về các đối tác tại thị trường tiềm năng này vẫn còn chưa nhiều. 

Tham gia vào sân chơi CPTPP, hàng hóa của doanh nghiệp VN khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng mức cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Nhất là các mặt hàng có thế mạnh: nông thủy sản, điện tử, dệt may, da giày... đa số đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, ưu đãi thuế quan lớn đi kèm với những yêu cầu về xuất xứ, nguyên liệu sản phẩm nghiêm ngặt. Do đó, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần “chủ động” thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng để đáp ứng được quy tắc của hiệp định.

Không phải bàn cãi về những ưu thế Hiệp định CPTPP mang lại với hoạt động thương mại của VN, tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả Hiệp định đối với hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình kinh doanh, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình khi tiếp cận thị trường thế giới.

Thực hiện: Anh Vũ, Minh Quân

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.