Video Tin trong nước

Doanh nghiệp Việt Nam chú trọng xúc tiến thương mại

Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa, doanh nghiệp Việt lại càng phải chủ động, linh hoạt trong các hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng cơ hội hợp tác, xuất khẩu.



14:33 - 21/09/2023

Doanh nghiệp Việt Nam chú trọng xúc tiến thương mại

Vừa trở về từ Ấn Độ sau chương trình xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai (Việt Nam) và Ấn Độ, nhiều doanh nghiệp của Đồng Nai đã có mặt ở Hà Nội để tham dự một sự kiện xúc tiến thương mại và giao thương khác do Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tổ chức. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, xúc tiến thương mại là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hoá, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 60 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt hơn 33 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số nhóm mặt hàng vẫn có giá trị xuất khẩu tăng, trong đó nông sản đạt gần 17 tỷ USD, tăng 11,5%. Các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Xúc tiến thương mại là giải pháp quan trọng, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Dự báo trong thời gian tới, kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, công tác xúc tiến thương mại, giao thương càng phải được đẩy mạnh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.


Thực hiện: Lê Liên – Chí Phương – Trọng Khánh