Cùng với thời gian, sự phát triển của đời sống và tôn giáo, hổ đã trở thành biểu tượng của sự uy nghiêm, mang theo khát vọng về sức mạnh và sự phồn thịnh, đặc biệt trong năm Nhâm Dần 2022.
Cách đây hơn 2.000 năm, hình tượng hổ bước vào đời sống văn hóa Việt trên các đồ đồng Đông Sơn, với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này. Cùng với tiến trình lịch sử, văn hoá Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến những vật dụng, trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian; tạo hình, phong cách, ứng dụng, ý nghĩa của mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt.
Thế kỷ 16 - 18 là thời kỳ nở rộ của kiến trúc đình làng và những chạm khắc trang trí trên đình làng mang giá trị nghệ thuật đặc sắc trong mỹ thuật cổ Việt Nam. Hổ là một đề tài ưa thích trong các bức chạm trên kiến trúc gỗ đình làng. Tuy nhiên, hình tượng hổ, theo các nhà sử học, không chỉ là loài vật được mệnh danh là “chúa sơn lâm” mà còn là vật linh, mang đặc điểm, tính cách và khát vọng của người Việt.
Hình ảnh hổ trong văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng mang một ý nghĩa đặc biệt. Dù là con vật hoang, rất ít khi được thuần phục nhưng hổ lại gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân Việt, trong đời sống thường nhật và tôn giáo, thể hiện sức mạnh uy nghiêm, gửi gắm khát vọng về một cuộc sống sung túc và phồn thịnh.
Anh Vũ - Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.