Chùa Tây An nằm dưới chân núi Sam – ngọn núi được mệnh danh là vùng đất thiêng của Châu Đốc. Chùa được xây dựng năm 1874 để ăn mừng đại công chiến thắng giặc ngoại xâm, giữ vững biên cương Tổ quốc vào năm Thiệu Trị thứ 7. Chính vì lẽ ấy mà chùa mới có tên là Tây An, nghĩa là trấn an bờ cõi phía Tây của Tổ quốc.
Chùa Tây An là nơi giao thoa của hai nền kiến trúc Việt cổ và Ấn Độ. Bên ngoài chùa được thiết kế với sắc vàng rực rỡ, cùng những họa tiết, hoa văn mang nét đặc trưng của Phật giáo Ấn Độ. Bên trong chùa lại là sắc nâu trầm mặc cùng những họa tiết tứ linh trên nóc chùa rất truyền thống, rất Việt Nam.
Trong chùa Tây An hiện còn lưu giữ khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ gồm tượng Phật, tượng Bồ Tát, La Hán, Kim Cang... được tạo tạc từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó chủ yếu là làm bằng gỗ, chạm trổ cầu kì và công phu, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam thế kỉ thứ 19. Hệ thống tượng cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên nét trầm mặc truyền thống cho chùa Tây An mà ta thường bắt gặp trong các ngôi chùa cổ tu tập theo hệ phái Bắc Tông.
Trải qua gần 150 tồn tại với biết bao sự đổi thay, nhưng chùa tây An vẫn giữ nguyên được những giá trị về mặt kiến trúc
độc đáo của mình. Để ngày hôm nay, ngay khi vừa đặt chân tới chân núi Sam, ta sẽ được chiêm ngưỡng một ngôi chùa rực rỡ sắc vàng nhưng vẫn rất cổ truyền, rất thân quen.
Nguyên Hạnh - Trọng Đại
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.