Video Tin trong nước

Độc đáo “Lễ cúng mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc K’ho

Người K’ho ở tỉnh Lâm Đồng có nhiều lễ cúng vô cùng độc đáo và đa dạng vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ. Trong đó, Lễ cúng mừng lúa mới là lễ cúng quan trọng được tổ chức hàng năm sau khi thu hoạch lúa rẫy.
20:22 - 16/02/2022

Lễ cúng mừng lúa mới gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, gắn với cây lúa nước của bà con K’ho ở tỉnh Lâm Đồng từ bao đời nay. Lễ thường được tổ chức vào khoảng từ tháng 12 hàng năm, cầu mong Thần lúa ban cho mọi người, mọi gia đình có cái ăn, cái mặc, cuộc sống sung túc, ấm no và hạnh phúc.

Già làng K’Tíu – Dân tộc K’ho, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng: Lễ mừng lúa mới là lễ hội mong muốn gia đình được ấm no, thần lúa đã phù hộ chúng ta sản xuất được mùa bội thu, mọi khó khăn vất vả đều vượt qua, một năm được ấm no, đủ đầy. Mừng lúa mới, cầu khấn thần linh, mong thần linh tiếp tục phù hộ, mong vụ mùa năm sau gia đình sẽ làm ăn phát đạt hơn. Người K’ho quan niệm: Lễ hội mừng lúa mới là dịp để bà con trong làng được cầu khấn Thần lúa phù hộ cho cuộc sống bon làng ngày càng được no ấm và bình yên. Vật tế lễ thần lúa thường là con gà, con heo và rượu cần. Các gia đình khó khăn thì hiến tế bằng con gà; gia đình có điều kiện hơn thì cúng bằng con heo.

Mọi lễ vật được bà con trong làng chuẩn bị chu đáo với lòng tôn kính và biết ơn thần lúa đã ban cho một năm bội thu, no đủ.

Già làng K’Tíu – Dân tộc K’ho, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng: Vật cúng thần lúa phải có có mâm, gùi nhỏ (Khiao kòi), 3 cái chén đựng  vật cúng. Cây nêu gia đình cũng phải dựng, năm nào thu hoạch được nhiều lúa gia đình sẽ tổ chức lễ lớn, mời cả bon làng ăn mừng và sẽ dựng cây nêu, vật tế thần là phải con trâu.

Lễ được tổ chức ngoài trời trước nhà chủ có vật hiến tế, nhà già làng hay trên mảnh đất rộng, bằng phẳng, cao ráo trong làng, với cây nêu trang trí sặc sỡ. Mọi người nhảy múa theo tiếng cồng chiêng.

Đến nay, Lễ hội mừng lúa mới của người K’ho vẫn còn được gìn giữ và bảo tồn, với ý nghĩa gắn kết cộng đồng, mừng cho cuộc sống ấm no, trao đổi kinh nghiệm làm ăn mùa tới. 

Ngày nay, bà con dân tộc K’ho đã có sự giao lưu cùng các dân tộc khác để cùng nhau phát triển, xây dựng cuộc sống mới. Lễ hội vì thế cũng được nhân dân và du khách các vùng miền biết đến nhiều hơn. Không chỉ được tổ chức ở quê hương Lâm Đồng, tại các lễ hội văn hóa lớn trên cả nước, những lễ cúng truyền thống như thế này cũng thường xuyên được tái hiện để nhân dân và du khách trong và ngoài nước được trải nghiệm nhiều hơn, góp phần gìn giữ nét đẹp trong văn hoá cộng đồng.

Vũ Đào - Chí Phương

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.