Video Tin trong nước

Đổi mới cơ chế kiểm duyệt để phim điện ảnh thêm cơ hội tiếp cận khán giả

Những ngày qua, lĩnh vực điện ảnh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó nổi bật là cơ chế kiểm duyệt phim vốn được cho là đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh hiện tại, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà.
19:46 - 07/11/2021

Đây cũng là điều được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Thời gian gần đây, thông tin phim “Vị” của đạo diễn Lê Bảo từng đoạt giải tại Liên hoan phim Berlin 2021 (Đức) bị xử phạt và cấm phát hành tại Việt Nam gây xôn xao giới điện ảnh. Lý do phim bị cấm là có cảnh khỏa thân kéo dài. Theo Bảng tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (có hiệu lực từ 1/1/2017), mức C18 không chấp nhận khỏa thân toàn phần trừ khi "phù hợp với nội dung phim, không kéo dài hoặc lặp lại quá đà".Thế nhưng, theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, từng là thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia, cảnh khỏa thân kéo dài bao lâu thì được coi là quá dài lại không được quy định rõ trong luật. 

Bên cạnh đó, Tiêu chí xếp loại phim theo độ tuổi C13, C16, C18 cũng không có tác dụng. Khi duyệt, hội đồng duyệt không thể xếp Vị vào C18 mà cũng không có mức phân loại nào sau C18. Do đó Vị bị cấm. 

Theo chuyên gia tư vấn pháp lý Fushihara Hirota, đối tác hỗ trợ pháp lý của các nhà làm phim điện ảnh trong dự án “Ai góp ý giơ tay lên”, những điều cấm trong quy định tại Luật Điện ảnh chỉ nên quy về các lưu ý để phân loại phim cho phù hợp với độ tuổi, theo đúng chức năng kiểm duyệt phim, khán giả sẽ là những người đánh giá về giá trị nghệ thuật của phim và quyết định có xem hay không.

Trong nhiều cuộc thảo luận tại Nghị trường Quốc hội về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều đại biểu đề xuất nên xem xét thay đổi cơ chế kiểm duyệt phim để tăng tính đột phá hơn. Các đài truyền hình vẫn tự cấp phép, kiểm duyệt phim truyền hình; các ấn phẩm sách báo có thể xin giấy phép ở nhiều nhà xuất bản… nên chăng, cần tính tới phương án xây dựng cơ chế để nhiều đơn vị (của Nhà nước) cùng có quyền thẩm định, cấp phép các bộ phim.

Không thể phủ nhận những đóng góp của Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, sau 14 năm thực thi, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh phát triển mới, để khán giả có thể tiếp cận với nguồn phim đa dạng hơn và ngành điện ảnh có cơ hội trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước theo định hướng của Chính phủ.

Anh Vũ – Chí Phương – Minh Quân

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.