Video Tin trong nước

Đổi mới tư duy quản lý để các công trình văn hóa, lịch sử phát huy tối đa giá trị

Di sản văn hóa là tài sản quý báu của mỗi quốc gia, phản ánh lịch sử, bản sắc và tinh hoa văn hóa của dân tộc. Để di sản phát huy hiệu quả cao nhất về các giá trị văn hóa, lịch sử thì công tác quản lý cũng cần được coi trọng và đổi mới để phù hợp tình hình thực tiễn.
21:57 - 23/11/2024

ĐỔI MỚI TƯ DUY QUẢN LÝ ĐỂ CÁC CÔNG TRÌNH VĂN HÓA, LỊCH SỬ PHÁT HUY TỐI ĐA GIÁ TRỊ

Theo thống kê của thành phố Hà Nội, hiện nay chỉ tính riêng địa bàn quận Tây Hồ hiện có 71 di tích, trong đó có 24 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 18 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Để tiếp tục phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, trong hội nghị về tổng kết công tác quản lý và phát huy giá trị di sản, UBND quận Tây Hồ cũng đã yêu cầu các địa phương cần có những biện pháp sáng tạo thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài nước nhằm phát huy có hiệu quả nguồn di sản hiện có nhưng vẫn bảo tồn được sự uy nghiêm, cổ kính.

Thực tế hiện nay, nhiều công trình kiến trúc giàu giá trị văn hóa, lịch sử và có tính giáo dục cao, tuy nhiên các công trình này vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan nhà nước như Bắc Bộ Phủ, trường Đại học Tổng hợp đóng cửa tử lâu, vừa được mở cửa đón khách tham quan trong tuần lễ thiết kế sáng tạo của Hà Nội. Điều này cho thấy cần phải có sự đổi mới tư duy trong công tác quản lý đối với những công trình kiến trúc văn hóa để người dân được tiếp cận với những di tích đó từ đó có thể vừa giữ gìn, vừa phát huy được giá trị di sản.

Nhằm tháo gỡ phần nào nút thắt cho công tác quản lý, để có thể quản lý tốt lại vừa phát huy được tối đa hiệu quả của công trình, mới đây HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội, theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô./.

Thực hiện: Vân Anh - Chí Phương