Video Tin trong nước

Đối phó với “khủng bố” bằng điện thoại

Thời gian gần đây nhiều người dân gặp tình trạng có số điện thoại lạ gọi đến đòi tiền, yêu cầu trả nợ dù không hề có bất cứ một khoản nợ nào với ngân hàng hay các tổ chức tài chính, tín dụng. Với tần suất gọi, nhắn tin dày đặc đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, công việc của họ.
18:15 - 18/02/2022

Đây là danh sách dày đặc những cuộc gọi, tin nhắn từ những số điện thoại lạ đến số điện thoại của chị Hoàng Thị Quỳnh để yêu cầu chị phải có trách nhiệm trả nợ cho một người khác mà chị không quen biết. Dù đã giải thích rằng chị không hề nợ ngân hàng và cũng không quen biết người mà các đối tượng này đề cập đến thế nhưng những cuộc gọi “khủng bố” vẫn diễn ra.

Không chỉ gọi điện nhá máy “khủng bố” như vậy, các đối tượng này còn sử dụng hình ảnh của chị để đăng lên MXH với nội dung bôi nhọ, xúc phạm danh dự. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống cũng như công việc của chị.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI, trường hợp bị “khủng bố” bằng điện thoại như của chị Quỳnh không phải là ít và những hành vi như vậy đang vi phạm pháp luật.

Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, theo khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP; công ty tài chính có thể bị phạt hành chính 10-20 triệu đồng nếu vi phạm quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ như đe dọa, quấy rối; hoặc thúc giục người quen của bên vay trả nợ thay. Do vậy, khi gặp phải những trường hợp như vậy thì người dân cần tỉnh táo, ghi lại bằng chứng và nhờ đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để được bảo vệ.

Trên thực tế, hàng loạt những vụ việc liên quan đến quấy rối, đe dọa bằng hình thức nhắn tin, gọi điện vẫn thường xuyên xảy ra, do vậy người dân cần phải bình tĩnh thu thập các bằng chứng và nhờ cơ quan chức năng can thiệp, xử lý.

Tiến Dũng - Quốc Hùng 

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.