Video Tin trong nước

Đồng bào Kon Tum thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng

Những năm trước tỷ lệ hộ nghèo tại xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) luôn ở mức cao xấp xỉ 40%. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, nhờ sử dụng hiệu quả tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng vào đầu tư chăn nuôi và trồng trọt, hàng trăm hộ đã thoát nghèo.
15:16 - 09/09/2020

Gia đình ông A Nở (dân tộc Mơ Nâm), thôn Kon Kum, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, nhận khoán trông coi bảo vệ 17ha rừng từ năm 2015. Chất lượng rừng rất tốt nên gia đình được chi trả tới 16 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng mỗi năm. Số tiền này được gia đình đầu tư vào vườn cà phê chè, sắn, sau đó là chăn nuôi vịt xiêm. Hơn 3 năm đổ mồ hôi, từ 2018, cà phê bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nguồn thu từ chăn nuôi và trồng trọt lên tới gần 100 triệu đồng/năm.

Tương tự như gia đình ông A Nở, nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng là đòn bẩy để gia đình bà Y Yết (dân tộc Mơ Nâm), ở thôn Kon Kum, xã Măng Cành phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Theo bà Y Yết, từ năm 2015 đến nay, việc được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp gia đình có thêm nguồn kinh phí để đầu tư phát triển sản xuất. Trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, hộ bà được chi trả gần 25 triệu đồng. Nhờ có thêm khoản tiền này, gia đình đã có thể đầu tư trồng sâm dây, mua một con bò giống sinh sản và mua phân bón cho 5 sào cà phê chè. Dự kiến đến hết năm 2020, nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt có thể đạt vài chục triệu đồng. 

Ông Trương Đức Tuyến, cán bộ kiểm lâm huyện Kon Plông cho biết, đến thời điểm này, tại xã Măng Cành, có 250 hộ thuộc 28 nhóm hộ nhận khoán trông coi bảo vệ hơn 8.000ha rừng. Mỗi ha chủ rừng nhận được hỗ trợ từ 700.000 – 800.000 đồng/năm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ông Tuyến khẳng định, từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn xã, việc bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn. Môi trường rừng từng bước được cải thiện.

Măng Cành là xã vùng 3 thuộc diện khó khăn nhất của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, với trên 95% là người Xơ Đăng và Mơ Nâm sinh sống. Theo ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã, từ khi người dân được nhận nguồn chi trả môi trường rừng và sử dụng để đầu tư chăm nuôi, trồng trọt đã tạo ra nguồn thu nhập lớn. Qua đó giúp các hộ nhận khoán, các cộng đồng dân cư thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm gần 30% trong vòng 5 năm qua. 

Đời sống ấm no từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân thêm gắn bó với rừng hơn, diện tích rừng sẽ được giữ vững. Đây là thực tế vui đã và đang diễn ra tại xã vùng 3 Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum./.

Thực hiện: Tuấn Long/ VOV Tây Nguyên

Mời quý vị xem các Tin tức đã phát sóng tại đây./.