Đến nay, ngành du lịch Tây Nguyên vẫn chưa phát triển tương xứng kỳ vọng, đặc biệt là chưa xây dựng được những thương hiệu chung, mang tính kết nối vùng.
Tây Nguyên mang dáng vẻ một vùng bình địa đất đỏ bazan bao la, mầu mỡ với cảnh sắc thiên nhiên thật tươi đẹp: đại ngàn mênh mông, núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm... Ðó là những điều kiện thuận lợi để các tỉnh trong khu vực có thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các loại hình du lịch mang tính khám phá, trải nghiệm.
Tuy vậy, sự phát triển của du lịch Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng tiềm năng mà thiên nhiên và lịch sử đã ưu ái dành cho vùng đất này. Tốc độ tăng trưởng lượng khách và thu nhập từ du lịch vẫn còn thấp. Chẳng hạn như thác Dray Nur, một thắng cảnh nổi tiếng nằm trong hệ thống 3 thác gồm Gia Long - Dray Nur - Dray Sap của sông Sêrêpôk, đẹp và hùng vĩ như vậy, nhưng cũng chưa khai thác được những sản phẩm du lịch đặc thù, du khách đến phần lớn chỉ là mua vé vào tham quan rồi ra về...
Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên, Tây Nguyên còn sở hữu “kho tàng” văn hóa độc đáo để phát triển du lịch cộng đồng do đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, với những nét riêng trong ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc và phong tục, tập quán... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc kêu gọi, hướng dẫn người dân tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng cũng không đơn giản.
Hội tụ nhiều tiềm năng nhưng lại thiếu một chiến lược đồng bộ, đột phá khiến du lịch Tây Nguyên vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Hy vọng, thời gian tới, chính quyền các địa phương trong tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, tạo cơ chế, chính sách mạnh mẽ để thu hút các nhà đầu tư có năng lực để ngành công nghiệp không khói của khu vực thực sự “cất cánh” trong tương lai.
Thực hiện: Anh Vũ – Lê Hải
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.