Dữ liệu giám sát hành trình: Làm thế nào để phát huy hiệu quả?
Trong những bản tin thời sự trước, chúng tôi đã đưa tin về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do nhà xe Thành Bưởi gây ra vào ngày 30/9 vừa qua, khiến 5 người chết 5 người bị thương. Sau khi xảy ra tai nạn, lục lại hồ sơ cho thấy, phương tiện này đã vi phạm tốc độ đến 321 lần trong tháng 5 và bị thu hồi phù hiệu. Tháng 6 là 114 lần, tháng 7 là 61 lần. Thành tích bất hảo của xe này đều được lưu lại bởi hệ thống giám sát hành trình, hay còn gọi là hộp đen trên xe. Thực tế, tất cả dữ liệu GSHT đều được gửi về máy chủ của Cục đường bộ việt Nam. Thế nhưng, cơ quản quản lý lại không có biện pháp xử lý kịp thời những sai phạm này.
Theo một số ý kiến, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình hiện chưa được khai thác đúng và hiệu quả cho mục đích an toàn giao thông, mà chủ yếu để tra cứu; biện pháp cứng rắn nhất là tước phù hiệu nếu vượt tốc độ 5 lần/1.000km. Trong khi, nếu tận dụng nguồn dữ liệu khổng lồ này phục vụ việc xử lý vi phạm tốc độ, chạy sai lộ trình, đi vào đường cấm và giờ cấm, đón trả khách sai quy định ngay khi vừa xảy ra mới giảm thiểu được các vi phạm, các vụ TNGT do chạy quá tốc độ.
Nhiều lái xe khách cho rằng, việc khai thác hiệu quả dữ liệu này sẽ nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật của mỗi lái xe, bởi nhất cử nhất động của mỗi xe, đều được lưu lại rất rõ ràng các thông tin như thời gian, địa điểm, tốc độ,…
Camera giám sát hành trình đã được các xe kinh doanh vận tải lắp đặt từ nhiều năm nay, dữ liệu cũng đã được truyền về cho doanh nghiệp chủ quản và trung tâm giám sát của cơ quan nhà nước. Việc còn lại là vận dụng làm sao cho hiệu quả những thông tin hữu ích này trong công tác quản lý phương tiện vận tải hành khách. Có như vậy, hoạt động vận tải này mới có thể đi vào nề nếp, những vụ TN thảm khốc mới có thể được kiềm chế, và những chiếc xe khách mới thôi không còn được gọi là những chiếc “quan tài bay”./.
Thực hiện: Thu Hương – Trọng Khánh