Video Tin quốc tế

Dư luận báo chí châu Âu về việc phương tây cung cấp vũ khí cho Ukraine

Ngày 25/1, Đức tuyên bố bật đèn xanh cho việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Điều nay đang có khả năng khiến châu Âu vượt qua “lằn ranh đỏ” biến cuộc xung đột Ukraine – Nga thành cuộc đối đầu trực diện giữa phương Tây với Nga.

19:37 - 05/02/2023

Dư luận báo chí châu âu về việc phương tây cung cấp vũ khí cho Ukraine

Tờ “Làn sóng Đức” (DW) (ảnh 01) đăng tải trên trang điện tử phản ứng tức thì của các đảng phái tại Đức. Trong khi các lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất tại Đức là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo – CDU tiếp tục chỉ trích việc Thủ tướng Olaf Scholz đã quá chần chừ trong việc ra quyết định thì một đảng đối lập khác là đảng “Lựa chọn thay thế cho nước Đức” (AfD) lại chỉ trích gay gắt việc ông Olaf Scholz gửi xe tăng đến Ukraine. Người phát ngôn về chính sách đối ngoại của đảng này, Petr Bystron đánh giá “ông Olaf Scholz đã vứt bỏ toàn bộ các nguyên tắc về chính sách đối ngoại của nước Đức thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai” và cho rằng ông Olaf Scholz cũng đã huỷ hoại chính di sản của hai lãnh đạo lịch sử quan trọng của đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) trong quá khứ là các Thủ tướng Willy Brandt và Helmut Kohl, những người đã góp phần nước Đức xích lại gần hơn với Liên Xô để hoá giải những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh. (ảnh 02)

Trên tất cả các báo lớn tại châu Âu, quyết định của Đức về việc cung cấp xe tăng chiến đấu hiện đại cho quân đội Ukraine cũng lập tức trở thành một trong những chủ đề thảo luận quan trọng nhất. Nhật báo “Thế giới” (Le Monde), tờ báo chính luận lớn nhất nước Pháp ngày 26/01 đăng thông tin Đức cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine (ảnh 03) cùng bình luận “sau nhiều tuần lưỡng lự, các đồng minh phương Tây của Ukraine cuối cùng cũng quyết định: hàng chục xe tăng chiến đấu của phương Tây gửi đến Ukraine trong vài tháng tới sẽ giúp Ukraine chống cự lại các đợt tấn công từ phía Nga và lấy lại lợi thế trong mùa Xuân, khi điều kiện thời tiết thuận lợi hơn cho các chiến dịch cơ giới hoá”. Tuy nhiên, tờ “Thế giới” cũng nhận định, việc Đức kiên quyết chờ đợi các động thái song hành của Mỹ cho thấy “nước Đức vẫn lo lắng cho mối quan hệ với Moscow và không muốn rằng các xe tăng Leopard của Đức là các xe tăng phương Tây duy nhất hiện diện tại Ukraine”. Tiếp theo, tờ “Thế giới” cũng bình luận về quyết định ngay sau đó của chính quyền Mỹ về việc cũng gửi xe tăng Abrams cho Ukraine và cho rằng đây là một “món quà chứa thuốc độc” với quân đội Ukraine, với dẫn chứng được đưa ra là phát ngôn của ông Colin Kahn, nhân vật đứng thứ 3 trong Bộ Quốc phòng Mỹ, rằng “xe tăng Abrams của Mỹ ngốn dầu nhiều gấp 2 lần các xe tăng của Đức hay Pháp và do đó công tác hậu cần, tiếp vận sẽ cực kỳ khó khăn với quân đội Ukraine”.

Một ngày sau đó, trong số báo ra ngày 27/01, tờ “Thế giới” tiếp tục dành rất nhiều trang để nói về quyết định bước ngoặt của phương Tây trong việc cung cấp xe tăng cho Ukraine. (Ảnh 04) Tờ này nhận định, chính quyền Mỹ đã ưu tiên việc bảo vệ khối đoàn kết với châu Âu hơn là lo ngại xung đột Ukraine leo thang, tuy nhiên cũng đánh giá rằng Washington cùng nhiều nước châu Âu đang đi trên một lằn ranh mong manh giữa việc duy trì sự trợ giúp quân sự cho Ukraine với nguy cơ bị Nga xem là một bên tham chiến trực tiếp. Đồng thời, lý giải về việc tại sao Pháp không gửi xe tăng chiến đấu chủ lực của nước này là Leclerc sang cho Ukraine giống như Đức, Mỹ cùng nhiều nước châu Âu khác, tờ “Thế giới” dẫn các nguồn tin quốc phòng Pháp cho biết Pháp hiện chỉ có 226 xe tăng Leclerc trong trang bị nên không thể gửi cho Ukraine mà không rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn lực và bị ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Pháp. Ngoài ra, tờ báo cũng trích lời Bộ trưởng Quân đội Pháp Sebastien Lecornu cho biết, phía Ukraine muốn nhận xe tăng Leopard của Đức hơn, trong khi muốn Pháp cung...