Bạn trẻ này đã làm công nhân 14 năm tại một doanh nghiệp nước ngoài ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, TP Hà Nội. 6 năm nay anh đã được phát hiện có dấu hiệu bệnh điếc nghề nghiệp tiến triển và vì vậy, năm nào anh cũng được kiểm tra sức khỏe tổng thể, đặc biệt đo thính lực để đánh giá sự tiến triển của bệnh.
Là đồng nghiệp trong cùng một xưởng sản xuất, bạn trẻ này mới được tán sỏi thận và kỳ khám này được kiểm tra kỹ tiến triển vết can thiệp sau khi lấy sỏi thận. Đã thành thông lệ, 1 năm một lần, tất cả công nhân của nhà máy đều được tham gia khám sức khỏe định kỳ và nếu có dẫu hiệu bệnh nghề nghiệp, chẳng hạn như điếc, công nhân đó sẽ được di chuyển vị trí làm việc, tránh tiếng ồn làm nặng bệnh.
Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động làm công việc bình thường thì mỗi năm được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần. Đối với những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mỗi năm phải được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 06 tháng 01 lần. Đây là quyền mà người lao động được hưởng. Với các doanh nghiệp nước ngoài họ đều tuân thủ quy định, bởi họ nhận thấy lợi ích khi muốn phát triển và đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Với doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa ở Việt Nam thì gần như bỏ qua quy định này, đây là nguyên nhân dẫn tới vụ việc đáng tiếc xảy ra ở Nghệ An khiến 6 người thiệt mạng và hơn 70 công nhân còn lại khó cứu, vì bệnh bụi phổi silic là thể bệnh tiến triển mà không có thuốc nào cứu được tính mạng của bệnh nhân.
Thực hiện: Mai Lan – Ngọc Toàn