Tại Mỹ, các bang California, New York, New Jersey, IIllinois, Pennsylvania và Nevada đều đã ban bố lệnh ngừng mọi hoạt động không thiết yếu. Dù tới nay, Tổng thống Donald Trump vẫn bác bỏ khả năng phong tỏa toàn bộ đất nước, song chính quyền 3 thành phố lớn nhất là New York, Los Angeles và Chicago vẫn quyết định yêu cầu khoảng 100 triệu người dân “đóng cửa ở trong nhà”.
Còn tại Italia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh tại châu Âu với 4.825 người thiệt mạng và cũng là quốc gia đầu tiên tại châu lục ra lệnh phong tỏa toàn quốc, vẫn đang tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Cùng với việc đóng cửa toàn bộ các công viên, không gian mở, Chính phủ Italia cũng ra lệnh ngừng mọi hoạt động sản xuất, ngoại trừ những hoạt động “cực kỳ cần thiết”.
Theo số liệu do hãng tin AFP tập hợp, hơn 900 triệu người tại khoảng 35 quốc gia đã được kêu gọi ở trong nhà. Phần lớn, khoảng 600 triệu người tại 22 nước, là chịu lệnh “phong tỏa” bắt buộc như Pháp hay Italia. Những nước khác là do lệnh giới nghiêm (như Bolivia), cách ly (như tại những thành phố lớn của A-déc-bai-dan và Ca-dắc-xtan) hay theo khuyến cáo của chính phủ (như tại Iran, Ấn Độ).
Tổ chức Y tế thế giới hôm qua một lần nữa kêu gọi các nước triển khai những biện pháp phòng ngừa quyết liệt khi nhấn mạnh những biện pháp quyết liệt được triển khai tại Vũ Hán, tâm dịch tại Trung Quốc là niềm hi vọng cho thế giới.
Tuy nhiên, những biện pháp phòng ngừa như thế này lại không dễ thực hiện tại những khu vực dễ bị tổn thương nhất, như các khu ổ chuột lớn ở châu Á hay những nhà tù quá tải và xuống cấp trên khắp thế giới. Các chuyên gia Liên hợp quốc cảnh báo, 3 tỷ người không được trang bị những công cụ cơ bản nhất để chống virus như nước sạch hay xà phòng.
Mời quý vị xem các Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.