Một nhóm học sinh đánh bạn ngay tại phòng học trong giờ giải lao, nhiều học sinh khác đứng xem và dùng điện thoại quay clip và tuyệt nhiên không hề có động thái can ngăn.
Một nữ học sinh đang theo học ở một trường THCS tại thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) bị nhóm bạn cùng trường xông vào túm tóc, lột đồ và đánh hội đồng.
Mới đây nhất, một nam sinh lớp 9 đã nhảy lầu từ tầng 3 xuống bị đa chấn thương do bị bạn trêu chọc, chế giễu.
Những vụ bạo lực liên tiếp xảy ra tại các trường học và nạn nhân là các cô cậu học sinh mới chỉ cấp 2, cấp 3 khiến dư luận hoang mang, lo lắng
Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất (đánh đập, xô đẩy…), bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần (tẩy chay, xa lánh, nói xấu…).
Ở nước ta, hầu hết những vụ việc học sinh đánh, chửi nhau xảy ra gần đây đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống. Tuy nhiên, hậu quả của nó đôi khi lại không chỉ dừng lại ở sự cãi vã, xô xát thông thường mà đã có những án mạng thương tâm, gây rúng động dư luận. Điều đáng nói, là cách hành xử của phụ huynh trong vấn đề giải quyết vấn đề. Phụ huynh nên gặp nhà trường sớm nhất có thể thay vì gặp trực tiếp, hành hung lại học sinh đánh con mình.
Điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, vẫn là nâng cao trách nhiệm và vai trò của gia đình trong việc đồng hành cùng con, sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu. Có như vậy mới kịp thời định hướng và hỗ trợ các em về tâm lý để tránh những hành vi tiêu cực có thể xảy ra.
Bạo lực học đường sẽ không thể chấm dứt hoàn toàn mà chỉ có thể phòng ngừa và hạn chế. Trên hành trình đó, ngoài nhà trường và xã hội, gia đình vẫn là nhân tố quan trọng nhất để đồng hành chia sẻ và thấu hiểu các em, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn bạo lực học đường có thể xảy ra.
Thực hiện: Anh Vũ – Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.