Được bảo hộ nhãn hiệu từ năm 2018, làng nghề hoa cây cảnh Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày một khẳng định uy tín trên thị trường. Nhờ sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư vào những giống hoa mới, đa dạng về chủng loại của bà con nông dân mà giá trị sản phẩm được gia tăng, tạo ra một vùng chuyên sản xuất hoa, cây cảnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi chuyển đổi sang mô hình trồng hoa, nhiều hộ đạt doanh thu cả tỷ đồng/năm. Theo số liệu thống kê của xã Xuân Quan, tổng lợi nhuận từ hoa, cây cảnh của xã ước đạt gần 200 tỷ đồng trong năm 2022.
Chuối tiêu hồng Khoái Châu tỉnh Hưng Yên được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2015. Thời điểm đó, toàn huyện Khoái Châu có tới 600ha trồng chuối với sản lượng 23 nghìn tấn trên năm. Đến nay, tuy diện tích và sản lượng không tăng nhiều nhưng giá trị trên 1 ha canh tác lại tăng lên nhờ có thương hiệu.
Sau khi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm cam và nếp thơm được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên tăng cường tổ chức các hội thảo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân về việc xây dựng; phát triển; sử dụng hiệu quả nhãn hiệu, thương hiệu; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hệ thống quản lý tân tiến giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Trên các sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý gắn với vùng trồng, tên hợp tác xã hay chủ hộ sản xuất.
Để nâng cao giá trị và phát huy các sản phẩm chủ lực của địa phương, tỉnh Hưng Yên và các huyện đều có giải pháp về quy hoạch tổng thể vĩ mô cho từng vùng. Đối với vùng hoa cây cảnh, quy hoạch vùng chuyên sản xuất hoa gắn với các điểm du lịch trải nghiệm; điểm thăm quan thu mua để các hộ kết hợp sản xuất hoa cây cảnh công nghệ cao gắn với du lịch làng nghề và bảo vệ môi trường, nhằm gia tăng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu trên thị trường.
Đối với các cây chuối, cam và lúa nếp, ngoài quy hoạch vùng trồng, xây dựng đường giao thông, các sở ngành thường xuyên tổ chức các phiên chợ để kết nối giao thương; hỗ trợ quảng bá xây dựng thương hiệu; nhãn hiệu. Đây sẽ là những động lực quan trọng để các cây trồng chủ lực của Hưng Yên tiếp tục cho giá trị kinh tế cao trong thời gian tới.
Thực hiện: Bá Phước - Huy Hoàng - Quan Tú - Anh Phương