GIẢI QUYẾT LÂU DÀI BÀI TOÁN THIẾU GIÁO VIÊN TRÊN CẢ NƯỚC
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong vòng 3 năm học kể từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến con số hơn 40.000 người. Trong đó 2 năm học có số lượng giáo viên bỏ việc nhiều nhất là năm học 2021-2022 (khoảng 16.000) và năm học 2022-2023 (hơn 13.000). Theo tính toán của ngành giáo dục, từ nay đến năm 2026, ngành cần bổ sung gần 110.000 giáo viên thiếu ở các cấp học.
Lý do giáo viên bỏ nghề, bên cạnh các nguyên nhân chủ quan thì có những yếu tố khách quan là chế độ lương thấp trong khi áp lực công việc cao và đến từ nhiều phía.
Trong bối cảnh ngành giáo dục đang nỗ lực đổi mới căn bản toàn diện thì vai trò của người thày là tối quan trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi nói đến chấn hưng giáo dục, điều tiên quyết là cần cải cách chế độ tiền lương theo hướng ưu tiên tính chất đặc thù của nghề dạy học để giáo viên đảm bảo cuộc sống. Cùng với đó là cải thiện môi trường làm việc cởi mở, dân chủ, tránh tạo áp lực cho giáo viên để họ an tâm công tác.
Để tạm thời giải quyết tình trạng thiếu giáo viên các cấp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Tuy nhiên, việc tuyển thêm biên chế chỉ giải quyết được phần ngọn. Nêý không tạo được điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ phù hợp thì vẫn còn giáo viên bỏ nghề. Do đó, điều quan trọng là hoàn thiện Luật Nhà giáo nhằm xây dựng chính sách tuyển sinh, tuyển dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo phù hợp với nhu cầu sử dụng; tạo động lực phát triển đội ngũ nhà giáo.
Do đó, để giải quyết triệt để tình trạng thiếu giáo viên, hướng tới một nền giáo dục ổn định và phát triển trong tương lai, trước hết cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để đảm bảo công cuộc cải cách giáo dục thành công./.
Thực hiện: Anh Vũ – Trọng Khánh – Quốc Hùng – Sỹ Thành