Song hiện nay, do chưa có quy định cụ thể cho trường hợp này nên nhiều địa phương và nhiều cơ quan chưa có sự thống nhất, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây nhiều bức xúc cho người lao động.
Nguyễn Văn Dương (quê Hưng Yên) làm công nhân một nhà máy ở Hà Nội, nhiễm Covid-19 ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Anh Dương tự điều trị tại nhà. Sau 10 ngày, kết quả xét nghiệm hai lần âm tính, anh được phường cấp Giấy xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà. Nghỉ việc nửa tháng, thu nhập giảm sút. Anh Dương được công ty nhắn xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại địa phương để được hỗ trợ theo quy định.
Không xin được tờ giấy chứng nhận, anh Dương chấp nhận rằng mình sẽ mất một khoản hỗ trợ từ BHXH. Đây không phải là trường hợp duy nhất đang bị treo quyền lợi vì một tờ giấy xác nhận nghỉ việc của cơ quan y tế.
Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội, để được hưởng bảo hiểm xã hội khi nghỉ chế độ ốm đau, người điều trị nội trú cần có giấy ra viện và người điều trị ngoại trú cần có giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Vướng mắc hiện nay ở chỗ đa số trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, không bắt buộc phải tới cơ sở khám, chữa bệnh mà có thể điều trị tại nhà nhưng việc cấp các giấy tờ làm hồ sơ căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội với người điều trị tại nhà lại chưa có quy định trong các văn bản pháp luật.
Trước thực trạng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành Thông tư để hướng dẫn thủ tục hưởng trợ cấp ốm đau cho người nhiễm Covid-19.
Trường hợp Bộ Y tế chưa thể ban hành ngay, thì cần có văn bản hoặc họp báo để thông tin, giải thích các thắc mắc về chế độ chính sách cho người bị mắc COVID-19, để người lao động yên tâm điều trị bệnh, tránh tình trạng hoang mang, lo lắng do thiếu thông tin như hiện nay.
Thu Hương – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.