Video Tin trong nước

Gìn giữ tiếng Việt là giữ gìn bản sắc, văn hóa Việt

Gìn giữ tiếng Việt chính là gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó cũng chính là sợi chỉ kết nối kiều bào trên toàn thế giới, qua đó khơi gợi tình yêu, lòng tự hào và luôn hướng về tổ quốc của mỗi người Việt.
19:24 - 09/09/2022

Đều đặn mỗi cuối tuần, một góc trung tâm thương mại SAPA, tại Praha, Cộng hòa Séc lại vang lên những giọng nói bập bẹ, ngây ngô của thế hệ thứ 2, 3 người Việt. Không phân biệt lứa tuổi, trình độ, mỗi học sinh khi tham gia các lớp học tiếng Việt như thế này đều mong muốn có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Việt với bố mẹ, gia đình cũng như hỗ trợ gia đình hội nhập tốt ở nước sở tại.

Khó khăn trong việc dạy và học ở nước ngoài là học sinh không có nhiều thời gian tiếp xúc với tiếng Việt; các lớp học chỉ diễn ra vào cuối tuần lại dành cho học sinh ở các lứa tuổi khác nhau, do đó việc biên soạn một giáo trình phù hợp với từng nhóm tuổi gặp nhiều hạn chế. Khó khăn là vậy nhưng cô và các giáo viên vẫn luôn cố gắng truyền tải cách tiếp cận Tiếng Việt nhanh nhất, dễ hiểu nhất cho các em với tâm niệm nếu không giữ được tiếng Việt thì không thể giữ được văn hóa truyền thống. 

Với một cộng đồng hơn 80 nghìn người Việt đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc, việc duy trì, nâng cao nhận thức về Tiếng Việt sẽ có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa bản sắc văn hóa người Việt ở nước ngoài. 

Có thể thấy, việc duy trì Tiếng Việt trong mỗi gia đình là mong muốn, nguyện vọng của các thế hệ người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Đó cũng là động lực để các thế hệ sau tiếp nối, duy trì và phát huy hơn nữa bản sắc văn hóa người Việt, hội nhập tốt ở nước sở tại. Giữ gìn Tiếng Việt cũng chính là giữ gìn hồn cốt của dân tộc, là sợi chỉ đỏ kết nối người Việt khắp năm châu cũng như là cầu nối hữu nghị với bạn bè trên toàn thế giới.

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.