Dù có 2 người con đều đã trưởng thành, thế nhưng không người nào nối nghề truyền thống của gia đình, điều này khiến nghệ nhân Nguyễn Như Hải – người đã dành cả đời gắn bó với nghề mỹ nghệ ở Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội - không khỏi nặng lòng. Điều ông trăn trở nhất là rồi những năm sắp tới, liệu những tiếng mài, tiếng đục có còn rộn ràng trên mảnh đất quê hương.
Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng có bề dày truyền thống hơn 800 năm trong sản xuất đồ thờ thủ công mỹ nghệ, như: tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc, phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân cả nước. Điều đặc biệt là dù khách hàng đặt tạc bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ Sơn Đồng đều làm được ngay mà không cần mẫu. Việc truyền dạy cũng vì thế mà có những thủ pháp riêng không hoàn toàn giống nhau.
Có lẽ việc học nghề cần sự bền bỉ như vậy nên ngày nay không còn nhiều người trẻ gắn bó với nghề của cha ông. Những nghệ nhân như ông Hải đang hết sức nỗ lực để có thể tiếp tục giữ lửa nghề trên quê hương mình.
Ngoài việc truyền dạy nghề, việc bảo tồn nghề truyền thống bằng cách gắn với các tour, tuyến du lịch nhằm quảng bá nghề đến rộng rãi nhân dân, công chúng cũng đã từng được triển khai tại Làng nghề Sơn Đồng, tuy nhiên chưa thực sự tạo được sức hút.
Rõ ràng, không chỉ là truyền dạy, mà trong cách thức bảo tồn nghề truyền thống, chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan cũng cần có sự đổi mới, gắn với các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch đa dạng, mới mẻ, tạo điều kiện để họ được thể hiện sức sáng tạo đối với nghề truyền thống, có như vậy mới gia tăng được lợi ích của những người làm nghề, đồng thời tạo được sức hút đối với những người trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị đáng quý của nghề truyền thống.
Vũ Đào – Chí Phương – Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.