Phát biểu tại buổi tọa đàm đánh giá tác động về những đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan trong Luật Thủ đô. Theo tiến sỹ Lê Hưng, Đại học y dược, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, thời gian dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, hệ thống y tế tư nhân, y tế gia đình, các phòng khám đa khoa tư nhân, trạm y tế xã, phường đã tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, giảm tải rất tốt cho các bệnh viện tuyến trên, thực sự là cánh tay nối dài của các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện.
Lợi ích của phòng khám tư nhân, bác sỹ gia đình, y tế xã, phường nếu phát huy sẽ có nhiều lợi ích như chi phí điều trị giảm, người bệnh không phải đi lại, không phải chờ đợi, xếp hàng, không cần chuyển tuyến, giảm quá tải cho tuyến trên. Song một thực tế xảy ra, sau dịch Covid-19, nhiều y, bác sỹ, y tá, điều dưỡng xin nghỉ việc hoặc chuyển đổi công việc khác là do chưa có cơ chế, chính sách, thiếu ưu đãi cho lực lượng này.
Bà Hoàng Thị Tú Anh, Phó Trưởng ban, Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP. Hà Nội nhấn mạnh, đến thời điểm này, luật Thủ đô đã thực hiện hơn 10 năm, vấn đề y tế của Thủ đô cần sửa đổi, bổ sung là điều cần thiết. Thực tế cho thấy, đội ngũ y bác sỹ, hệ thống y tế đã được quan tâm song vẫn còn hạn chế, đặc biệt thời gian dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ. Trong luật Thủ đô cũng dự thảo về y tế gia đình, nhưng trên thực tế, tuyển bác sỹ cho trạm y tế rất khó khăn, hiện có rất nhiều trạm y tế cơ sở là không có bác sỹ.
Kết thúc Tọa đàm, TS Nguyễn Ngọc Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý. TS Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết sẽ tổng hợp để xây dựng Dự thảo trong đề xuất đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)”.
Cao Thắng - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.