Đây là vườn bưởi có diện tích khoảng 1 mẫu của gia đình nông dân Nguyễn Văn Đức ở thôn 25, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Cả đời làm nông, gắn bó với cây bưởi đã hơn 10 năm, việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình ông mang tính manh mún, tự phát, chủ yếu trông chờ vào thương lái đến thu mua, không ít lần phải chịu tình cảnh “được mùa, mất giá”...
Với trăn trở tìm đầu ra cho nông sản như ông Nguyễn Văn Đức, ông Nguyễn Văn Hà, trưởng thôn 25, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội đã mạnh dạn thử nghiệm chuyển đổi mô hình canh tác bưởi truyền thống sang canh tác hữu cơ. Dù phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt hơn, chi phí giá thành cao hơn nhưng bù lại, cây cho năng suất cao hơn, chất lượng hơn, và đảm bảo “đầu ra” hơn. Hiện vườn bưởi nhà ông đã có doanh nghiệp đến đặt vấn đề thu mua nếu đảm bảo chất lượng.
Để giải bài toán “đầu ra” cho nông sản, cần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Để làm được điều đó, đầu tiên cần chuyển đổi mô hình canh tác từ truyền thống sang các phương pháp an toàn, thân thiện hơn, góp phần nâng cao giá trị nông sản, hình thành thương hiệu nông sản sạch, an toàn, tạo dựng một nền nông nghiệp có trách nhiệm, qua đó tìm thị trường ổn định và lâu dài cho nông sản của bà con nông dân.
Thực hiện: Anh Vũ – Anh Dũng
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.