Tất bật bên những gốc đào cổ vừa được thu về trồng lại trên mảnh vườn rộng chừng 2.500m, anh Nguyễn Trung Kiên, chủ vườn đào Kiên Chi tại làng Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, lại bắt tay vào công việc “tái sinh” những gốc đào. Thời điểm này hàng năm là lúc các nhà vườn trồng đào bận rộn nhất để thu gom, trồng lại và chăm sóc những cây đào cho thuê hoặc bán để trưng dịp Tết Nguyên đán.
Việc "tái sinh" những gốc đào chuẩn bị cho mùa vụ sau phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, công phu. Cây được đưa về là phải cắt, tỉa cành ngay. Đất trồng phải là đất mới, chủ yếu là đất phù sa pha đất thịt thì cây mới có thể sinh trưởng tốt. Ngoài ra, còn phải tưới nước và theo dõi cây hàng ngày, sau khi cây có dấu hiệu lên mầm mới tiến hành chỉnh sửa, ghép mắt, tạo thế.
Việc trồng đào phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, giá cả theo thị trường. Một gốc đào nếu được chăm sóc cẩn thận có thể được quay vòng đến 7,8 năm, có khi lên tới hơn chục năm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ đào dịp Tết cũng giảm hẳn so với mọi năm. Nhiều nhà vườn ở làng Nhật Tân chỉ bán hoặc cho thuê được 1/3 số cây trong vườn.
Chăm đào vất vả quanh năm, thu nhập bấp bênh, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, thế nhưng những người nông dân hàng chục năm với những vườn đào vẫn gắn bó với nghề gia truyền của cha ông, ánh mắt vẫn lấp lánh niềm vui khi nói về những vụ mùa mới.
Trong tất cả các loại đào được trồng ở các vùng trên cả nước, đào Nhật Tân luôn được đánh giá là đẹp nhất. Và những người nông dân chân chất, mộc mạc của làng Nhật Tân từ đời này sang đời khác vẫn gắn bó và gìn giữ nghề gia truyền của cha ông, như một cách viết tiếp câu chuyện bình dị về làng đào thắm sắc xuân trong lòng phố thị mỗi dịp Tết cổ truyền.
Anh Vũ - Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.