Đại diện Công ty Tân Phương Đông ở Thường Tín, Hà Nội cho biết, trước đây sản xuất của công ty đạt 75.000 tấn/năm, đạt 70-80% công suất nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, công suất của nhà máy chỉ đạt 40-50%. Hiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn cung nhập khẩu. Lượng dự trữ nguyên liệu sản xuất cơ bản của nhà máy chỉ còn được 2 tháng nữa.
Ông Shao Jun đại diện công ty TNHH New Hope miền Bắc cho biết, thức ăn của công ty sản xuất ra khó tiêu thụ, cần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu, kích thích chăn nuôi trong nhân dân.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, để chuẩn bị cho tăng trưởng nông nghiệp của Thành phố đạt trên 4% trong năm 2020, thành phố sẽ phối hợp với các Bộ, đặc biệt Bộ NN&PTNT bảo đảm nguồn hàng, đồng thời làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ lãi suất cho sản xuất chăn nuôi.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, đối với kiến nghị của một số doanh nghiệp về việc hỗ trợ giống lợn con, lợn nái, Chủ tịch UBND thành phố sẽ giao cho Sở NN&PTNT tính toán và có chính sách hỗ trợ. Việc đảm bảo an toàn sản xuất, cung cấp nhu yếu phẩm, Thành phố luôn đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp.
Liên quan đến vận chuyển các nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ cảng về nhà máy, cũng như vận chuyển tất cả các sản phẩm chế biến xong từ nhà máy sản xuất đến các trại chăn nuôi hay từ các nhà sản xuất đến các đại lý để bán, Thành phố sẽ đảm bảo cho các doanh nghiệp vận chuyển 24/24/7.
Việc chống dịch, Thành phố sẽ giao Sở Y tế làm việc cụ thể với các doanh nghiệp; Việc vay vốn thành phố sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại. Còn một số kiến nghị khác không thuộc thẩm quyền như giảm thuế nguyên liệu ngô, đậu tương, Chủ tịch UBND thành Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố sẽ tổng hợp và kiến nghị với Chính phủ.
Mời quý vị xem các Bản tin Nhịp sống thường ngày đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.