Anh Trần Văn Mừng, hiện làm tài xế xe ôm công nghệ, dự kiến về quê ăn Tết sau đây vài ngày
Hôm nay tranh thủ thời gian sau hai cuốc xe, người thanh niên này ghé mua mấy món bánh mứt kẹo làm quà cho gia đình với tiêu chí lựa chọn, hình thức bắt mắt, chất lượng tùy vào người bán.
Trong vai khách hàng dạo một vòng góc phố Hàng Buồm đoạn giao với phố Hàng Giầy, gần như tất cả các chủ cửa hàng khi được hỏi vấn đề liên quan đến hóa đơn đều trả lời là “KHÔNG”.
Dịp Tết Nguyên đán hằng năm là cao điểm mua sắm, thị trường hàng hóa sôi động hơn bao giờ hết với những mặt hàng chủ yếu như: thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng gia dụng, quần áo, giày dép… Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ len lỏi vào thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của người tiêu dùng.
Tại “thủ phủ bánh kẹo” ở quận Hoàn Kiếm, dịp cận Tết này, UBND quận thường xuyên phối hợp với ban ngành chức năng thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh và đã xử phạt 62 trường hợp vi phạm.
Câu chuyện hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi không chỉ diễn ra ở “thủ phủ bánh kẹo” của Hà Nội, mà còn xảy ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Tại TP.HCM, trong tháng 1 này, các lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 474 vụ, thu nộp ngân sáchgần 11 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính tới hơn 9 tỷ rưỡi đồng, tiêu hủy hơn 14 tỷ đồng hàng hóa.
Bên cạnh việc cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thì người tiêu dùng thì cần ý thức bảo vệ mình, nên chọn mặt gửi vàng ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu, uy tín, có đầy đủ hóa đơn chứng từ, tem nhãn đúng quy định./.
Thực hiện: Như Nguyên - Sỹ Thành