Hà Nội: Xén dải phân cách liệu có giảm ùn tắc giao thông?
Nút Ngã Tư Sở, 2 năm qua đã có ít nhất 4 lần điều chỉnh, tổ chức lại giao thông. Tới nay, Ngã Tư Sở tiếp tục được điều chỉnh bằng cách xén một phần đảo trồng cây các góc ngã tư, một phần vỉa hè dưới gầm cầu vượt và xén toàn bộ 4 đảo dẫn hướng để làm tăng khả năng thông hành của phương tiện. Nhiều người dân di chuyển qua nút giao thông này cho biết, từ khi xén dải phân cách, giao thông qua nút này phần nào đã “dễ thở” hơn.
Tuy nhiên, sau khi xén dải phân cách thì phương án tổ chức giao thông cần phải được chú trọng và tính toán hợp lý. Bởi, thực tế quan sát từ khi mở rộng điểm quay đầu các phương tiện từ đường Láng thay vì dừng chờ đèn đỏ, đã bất chấp đi ngược chiều vào lối quay đầu để đi lên đường Trường Chinh, gây ra xung đột giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Xén dải phân cách dường như được Hà Nội coi là một giải pháp giảm ùn tắc nên nhiều điểm nóng giao thông đã tận dụng triệt dải phân cách. Thời gian này, không chỉ khu vực nút giao Ngã Tư Sở, các hạng mục thi công tương tự cũng được thực hiện tại một số tuyến đường như Trần Hữu Dực, Trịnh Văn Bô... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc làm này chỉ là giải pháp tình thế, vì thực tế cho thấy, nhiều tuyến đường sau khi xén dải phân cách thì vị trí ùn tắc mới đã xuất hiện ngay chính khoảng trống đã được mở rộng.
Các chuyên gia cũng nhận định, xén dải phân cách là cách làm chắp vá, tốn kém, nhưng không phải là giải pháp hợp lý bởi, ùn tắc không giảm, tốc độ không cải thiện; còn cây xanh phải di chuyển, cột đèn, công trình ngầm cũng phải dịch chuyển hoặc là đập đi xây lại. Để giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị, cần có những giải pháp đồng bộ và quy hoạch chi tiết mới có thể đem lại kết quả bền vững, chứ không thể đơn thuần là xén đi giải phân cách./.
Thực hiện: Thu Hương – Lê Thanh