Những vụ việc học sinh tự tử xảy ra liên tiếp thời gian gần đây khiến cả xã hội không khỏi bàng hoàng, đau xót. Hầu hết các em đều ở tuổi vị thành niên, lứa tuổi đang có những biến đổi tâm lý. Ở giai đoạn “quá độ” từ trẻ con sang người lớn, trẻ vị thành niên thường rất khó để xác định được bản thân. Chính điều này đã khiến rất nhiều trẻ vị thành niên nảy sinh những suy nghĩ bồng bột và nguy hiểm.
Thời gian qua, thay vì đến trường, các em học sinh phải học theo hình thức học trực tuyến tại nhà để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Thế nhưng, việc học trực tuyến ở nhà quá lâu, các em học sinh không được tiếp xúc môi trường bên ngoài, không được gặp gỡ bạn bè, thầy cô… Điều này tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em, trong đó vấn đề trẻ em bị rối nhiễu tâm trí nếu nặng sẽ dẫn tới lo âu, trầm cảm, tâm thần…
Ai cũng có những áp lực khác nhau trong cuộc sống. Nếu áp lực của người lớn là gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền thì áp lực của con trẻ là chuyện gia đình, chuyện học hành, chuyện ở lớp học. Hiểu được tâm lý trẻ qua từng giai đoạn, cha mẹ có thể thấu hiểu hơn các hành vi của con. Hiểu được các ngôn ngữ yêu thương, cha mẹ sẽ biểu đạt tình yêu thương đối với con theo cách mà con có thể cảm nhận được.
Để bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tâm lý, ngoài việc cha mẹ cần tạo sự gần gũi, gắn bó với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội; dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nhà trường, thầy cô giáo cũng cần tìm sự đa dạng trong công tác giảng dạy, giảm tải về nội dung, có nhiều hoạt động tương tác, gắn kết với học sinh, dù là học trực tuyến hay trực tiếp. Với lứa tuổi chưa trưởng thành, nhất là giai đoạn thay đổi về tâm sinh lý, sự gần gũi và chia sẻ của những người xung quanh vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất để các em vượt qua áp lực.
Thu Hương – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.