Liên tiếp các vụ tự tử “kép” thời gian gần đây: chỉ vì những bế tắc trong cuộc sống hay cha mẹ vì mâu thuẫn tình cảm mà ôm theo con tự vẫn dẫn đến cái chết đầy thương tâm mà nạn nhân không ai khác chính là những đứa trẻ vô tội… Người lớn phải có trách nhiệm với con trẻ. Việc kéo con trẻ theo sự lựa chọn của riêng mình... Đó không phải tình yêu thương, trách nhiệm hay sự hy sinh, mà đó chính là tội ác...
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Sỹ Tiến cho rằng, về bản chất pháp lý thì đây là hành vi tự tử và giết người. Pháp luật Việt Nam không quy định chế tài đối với hành vi tự tử, tự làm đau đớn, hành hạ cơ thể của bản thân mình, nhưng nếu hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo các chuyên gia tâm lý, một trong những vấn đề quan trọng nhất để hạn chế tối đa các vụ tự tử “kép” hiện nay đó chính là phải xây dựng nền tảng gia đình vững chắc, duy trì sự kết nối mật thiết giữa các thành viên trong gia đình, để không ai bị bỏ rơi khi lâm vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng, dẫn đến hành động sai trái biến bản thân mình thành kẻ gây tội ác.
Sự lệch lạc, sai trái trong nhận thức do ngộ nhận về quyền làm cha mẹ; sự yếu kém về kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết khủng hoảng, quản lý cuộc sống của bản thân và gia đình. Phải làm sao để không còn những vụ tự sát kéo theo con cái? Ngoài việc trừng phạt bằng luật pháp, rất cần sự vào cuộc của cả xã hội để cắt đứt nguồn cơn gây nên tình trạng đó. Các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng… cần đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống trong cộng đồng nói chung và cho các bậc làm cha, làm mẹ nói riêng.
Thu Hương - Quốc Hùng - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.