Nhờ tài năng thiên bẩm và sự cống hiến cho nghệ thuật hết mình, họa sĩ Đức Dụ đã cống hiến cho nền hội họa Việt Nam nhiều tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ trên con đường Trường Sơn huyền thoại.
Tại Việt Nam có rất nhiều họa sĩ vẽ về đường Trường Sơn, và trong chiến tranh, cũng đã có không ít họa sĩ đi thực tế, sống và vẽ ở con đường huyền thoại này. Nhưng, có thể nói, ở mảng đề tài này, Nguyễn Đức Dụ vẫn là họa sĩ chuyên tâm nhất, lao động cật lực nhất, đeo đuổi nỗ lực tìm tòi nhất.
Ông đã trở thành họa sĩ tại Đường Trường Sơn khi ông mới 19 tuổi; sống, chiến đấu và vẽ ở Đường Trường Sơn suốt 8 năm từ 1965 đến 1973 và cho đến nay, ở tuổi thất tuần, ông vẫn đau đáu suy tư, hồi niệm và sáng tác về con đường huyền thoại ấy.
Vẽ đường Trường Sơn quả thực là một sứ mệnh mà cuộc sống đã dành cho Nguyễn Đức Dụ. Không phải họa sĩ nào cũng có được một sứ mệnh, hoặc cứ có là thực hiện được. Phải kiên định, ngoan cường, phải nỗ lực đấu tranh và tự đấu tranh, thậm chí phải hy sinh rất nhiều thì người họa sĩ mới có thể hoàn thành được sứ mệnh ấy. Và ông đã rất thành công khi sứ mệnh đó được giao cho mình. Trong tranh ông, khi thưởng lãm ta thấy một “thời hoa lửa” như được tái hiện trước mắt vậy.
Tám năm sống, chiến đấu và vẽ ở đường Trường Sơn, con đường huyền thoại này thực sự đã trở thành một “thế giới”, một quê hương thứ hai của Nguyễn Đức Dụ, nơi khơi nguồn cảm hứng và cấp tư liệu dường như vô tận cho nghệ thuật của ông.
Xuất phát từ vốn sống, vốn nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Đức Dụ đã tạo dựng được một cách tiếp cận và cảm thụ hiện thực riêng, một bút pháp riêng để vẽ về đường Trường Sơn mà chỉ thoạt nhìn người ta đã có thể nhận ra ngay tranh của ông, như một thứ “phong cảnh chiến trận” rất Nguyễn Đức Dụ.
Thực hiện: Thế Hùng – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.