Hát Páo Dung dân tộc dao Vị Xuyên được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Hát Páo Dung là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao. Các bài hát được truyền miệng hoặc ghi chép lại cho các thế hệ ngày nay. Các làn điệu Páo Dung phản ánh về cuộc sống lao động, sinh hoạt, phong tục, tập quán, lễ nghi và những tâm tư, tình cảm, khát vọng của người Dao trong cuộc sống. Hát Páo Dung không có nhạc cụ đệm, được thể hiện ngẫu hứng, rất tự nhiên bằng chính cảm xúc cá nhân của người hát, các bài dân ca giao duyên, bài cúng dùng trong các nghi lễ, đều có những giá trị ý nghĩa làm giàu thêm kho tàng dân ca của dân tộc. Páo Dung của dân tộc Dao có ba loại hình gồm: Páo Dung lễ nghi là những bài hát được sử dụng lễ Cấp sắc, lễ cưới, lễ cúng Bàn Vương, đám tang, cúng đầy tháng… Páo Dung trong sinh hoạt là các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ… Páo Dung trong lao động, sản xuất là những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, cảnh đẹp thiên nhiên, phản ánh đời sống du canh du cư, canh tác nương rẫy hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ…Người Dao hát Páo Dung ở nhà, trong bản, ngoài chợ, trên nương, bên suối, có thể hát đơn, hát đối đáp, hát đồng thanh. Chính vì vậy mà điệu Páo Dung luôn được bồi đắp, phát triển và lưu truyền trong cộng đồng, có tác dụng khích lệ, động viên tích cực đến đời sống tinh thần, quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, tính đến nay, tỉnh có 32 Di sản Văn hóa Phi vật thể được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia, trong đó có 8 di sản của dân tộc Bố Y, Lô Lô và Pu Péo, Cờ Lao có số dân dưới 10.000 người.
Thực hiện: Mùi Sơn – Lê Dung