Trong các phiên thảo luận tại tổ cũng như thảo luận trực tuyến tại hội trường về dự án này, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội dự kiến sẽ có giá trị khoảng 350.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến chi khoảng 114.000 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, dự án còn được bố trí hơn 47 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ phương án điều hoà, khả năng hấp thu vốn từ 2 nguồn này.
Theo tờ trình của Chính phủ, đến năm 2025 dự án sẽ được hoàn thành, nhưng sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ nếu thực hiện đúng theo quy trình đầu tư công hiện nay. Vì vậy, cần phải áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án này, trong đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung thêm vào các cơ chế thí điểm đặc thù về cấp mỏ khai thác khoáng sản để cung cấp vật liệu xây dựng cao tốc.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Quốc hội xem xét phân cấp từ Chính phủ cho Bộ GTVT trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án có tiêu chí quan trọng quốc gia.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, bởi đây là giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công.
Cũng theo các đại biểu, để tránh dẫn đến khiếu nại, tố cáo sau này, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề giá đền bù và tái định cư cho người dân. Đồng thời, khẩn trương tổng kết kinh nghiệm và có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương để bảo đảm được tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ của dự án.
Huy Vinh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.