Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kể từ khi gia nhập WTO năm 2007 đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ bao phủ toàn cầu với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, việc tham gia và thực thi các FTA đã mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, giúp mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, thậm chí còn đóng vai trò là “cứu cánh” của nền kinh tế trong giai đoạn dịch Covid-19.
Trong số các FTA mà Việt Nam ký kết đáng chú ý là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên. Theo số liệu mới nhất từ phía Canada, một đối tác lớn của Việt Nam trong CPTPP, năm 2020, dù dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực, tăng trưởng thương mại song phương giữa Việt Nam – Canada vẫn đạt mức kỷ lục là 7,11 tỉ USD.
Không chỉ tạo những ưu đãi về thuế quan để mở cửa với những mặt hàng chủ lực của Việt Nam tiếp cận thị trường của các nước đối tác, Hiệp định CPTPP còn bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường, do đó tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường, giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn và hiệu quả hơn trong giai đoạn hậu Covid-19.
Anh Vũ – Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.