Hỗ trợ đồng bào dân tộc thểu số phát triển kinh tế từ văn hóa truyền thống
Đây là hoạt động trình diễn của những người phụ nữ dân tộc Mông đến từ huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình trong khuôn khổ Triển lãm Sáp ong – Sắc chàm.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là một chuỗi các công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ mới tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho bộ trang phục truyền thống phụ nữ người Mông. Chính vì nét độc đáo riêng có đó mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Nghệ thuật dùng sáp ong của Người Mông vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này không chỉ giúp bảo tồn nghệ thuật truyền thống này mà còn giúp bà con có thêm động lực để quảng bá, giới thiệu với du khách về di sản của mình, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch.
Cùng với Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cùng bà con phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng cũng có những giải pháp đồng hành cùng bà con xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm đặc sản riêng có của địa phương để quảng bá, giới thiệu, thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch, cải thiện đời sống người dân địa phương.
Việc khai thác các yếu tố bản địa, văn hóa địa phương để phát triển kinh tế không phải là việc mới, thế nhưng để văn hóa trở thành “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con dân tộc thiểu số cần thực hiện đồng thời nhiều chủ trương, giải pháp để tăng cường gắn kết giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Bảo tồn văn hóa song song với phát triển sinh kế phải đem lại lợi ích cho chính cộng đồng dân cư tại chỗ mới tạo được hiệu quả thiết thực cho phát triển bền vững./.
Thực hiện: Vân Anh – Chí Phương.