Video Tin trong nước

Hoa ban với sự tích văn hóa dân tộc Thái

Từ lâu, với vùng cao Tây Bắc, hoa ban đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết của người con gái Thái. Tháng 3 về, hoa ban đua nở khắp núi rừng, bản làng, gợi nhớ một truyền thuyết xa xưa về mối tình thủy chung son sắt của nàng Ban – chàng Khum.
19:42 - 15/03/2022

Chuyện xưa kể rằng: "Ở bản của người Thái nọ, có một chàng trai tên Khum đem lòng thương nhớ người con gái tên Ban. Khum vốn là một trai tráng giỏi làm nương, khéo săn bắn, còn Ban lại khéo tay dệt vải có giọng hát hay. Nhưng cha của nàng Ban ham giàu hám của đã đem nàng mang gả cho một gia đình giàu sang … Nàng buồn bã van xin cha nhưng không thành, liền chạy khắp các nẻo rừng để tìm Khum… Nàng ngã gục dưới một chân núi cao. Nơi nàng nằm xuống mọc lên một loài cây hoa lạ với những bông hoa trắng muốt. Người dân gọi đó là cây hoa Ban. Còn chàng Khum, sau khi trở về nhà, biết chuyện chẳng lành liền vội vã chạy đi tìm nàng, từ dãy núi này băng qua núi khác, kiệt sức chàng ngã xuống bên gốc cây Ban, hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng. Và cũng kể từ ấy cứ mỗi mùa xuân về, hoa ban nở là người ta lại nghe rõ tiếng chim kêu vừa thánh thót vừa da diết”.

Mùa này lên vùng cao Tây Bắc, có thể thấy rất nhiều hoa ban hiện hữu trên những cánh rừng, sườn đồi.

Hoa Ban thường bắt đầu nở từ khoảng giữa tháng 2, đến tháng 3 là thời điểm hoa nở rộ nhất. Trong nhiều năm trở lại đây, cây hoa ban cũng được lựa chọn là cây trồng đô thị, do vậy việc chăm sóc loại cây này cũng được thành phố Sơn La đặc biệt quan tâm. 

Những ngày này đông đảo du khách nơi xa vẫn tìm về miền Tây Bắc để hoà mình vào lễ hội hoa ban. Vài năm gần đây, trong phát triển du lịch của các tỉnh Tây Bắc, thì hoa ban trở thành hình ảnh đẹp, là biểu tượng để giới thiệu đến du khách gần xa về 1 miền đất thanh bình, thân thiện và mến khách.

Trấn Long / VOV Tây Bắc

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.