Ghi nhận ý kiến từ các nhà trường và đơn vị quản lý giáo dục cho thấy, sau vài tuần triển khai đã có những khó khăn nảy sinh như: nhiều thầy cô chưa quen với cách dạy trực tuyến; việc thiết kế bài giảng cho phù hợp với dạy trực tuyến còn nhiều lúng túng, chưa kể chất lượng internet kém làm gián đoạn tiết dạy.
Theo đại diện một số trường, việc giảng dạy từ xa đòi hỏi phải trang bị máy móc, trang thiết bị, đường truyền. Khi điều kiện hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều học sinh không thể tiếp cận phương pháp dạy học trực tuyến… bởi không phải gia đình nào, thầy cô nào cũng đủ trang thiết bị dạy và học, nhất là vùng sâu vùng xa.
Có thể thấy, dạy và học trực tuyến có nhiều ưu điểm hơn so với các hình thức dạy học từ xa khác như dạy học qua truyền hình hoặc bài giảng qua video trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ hơn và thiết thực, việc đảm bảo chất lượng kiến thức cho học sinh sau mùa dịch Covid-19 vẫn là bài toán nan giải.
Rõ ràng, học online là giải pháp phù hợp trong thời điểm này, nhưng ngoài cái khó về triển khai dạy và học thì điều cần thiết nữa là ngành giáo dục phải sớm đưa ra tiêu chí đánh giá giáo viên, học sinh theo phương pháp này. Việc đánh giá phải phù hợp với thực tế trong giai đoạn đặc biệt như hiện nay thì giáo viên và cả học sinh mới có thể bớt lo lắng khi học sinh học online trong mùa dịch.
Mời quý vị xem các Bản tin Nhịp sống thường ngày đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.