Để bảo tồn và giữ đàn chim yến Cù Lao Chàm, nhiều năm qua, việc khai thác, nghiên cứu và phát triển đàn yến đã được chính quyền và nhân dân nơi đây thực hiện song song nhằm gìn giữ nguồn tài nguyên quý này.
Khai thác đúng mùa, đúng thời điểm, 2 lần/năm. Người khai thác yến cũng là người bảo vệ, canh giữ hang yến. Đó là cam kết hiện nay của người dân trên đảo Cù Lao Chàm nhằm duy trì sức khỏe cho chim yến, duy trì số lượng cá thể và số lượng đàn.
Thực tế, việc bảo tồn đàn yến đã được người dân nơi đây thực hiện từ rất sớm, với kinh nghiệm dân gian, truyền thống như cơi nới hang, cơi nới đàn yến, can thiệp giảm độ yến rụng, giảm con nở rơi chết, giảm rụng tổ trong mùa khô… Song việc làm này khó khăn bởi thời tiết khắc nghiệt, việc nhân đàn rất khó, lại chỉ áp dụng theo kinh nghiệm truyền thống, dân gian nên hiệu quả chưa cao.
Trước thực tế số lượng đàn yến giảm đáng kể, chính quyền và nhân dân Hội An đã nhanh chóng vào cuộc, cải tiến quy trình, phương tiện, công cụ, kinh nghiệm chăm sóc chim, khai thác tổ yến. Các hang đều được bảo vệ quanh năm, kể cả khi lễ tết hay trời mưa gió, giá rét. Các khe nứt trên vách đá được bịt kín, tránh dột nước ướt tổ yến, ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép triển khai cũng như UBND thành phố Hội An chủ động thực hiện. Nhờ đó, nghề khai thác yến tại Cù Lao Chàm những năm qua ngày một phát triển bền vững.
Dùng từ “Vàng trắng” để nói về giá trị của tổ yến sào Cù Lao Chàm - Hội An quả thật không sai. Và trong hành trình chăm sóc, bảo vệ và khai thác yến sào, những người thợ say mê loài chim này đã không ngại gian khó, hiểm nguy, lặng thầm góp sức làm đẹp giàu cho vùng đất Hội An nói riêng và xứ Quảng nói chung.
Thực hiện: Minh Quyên, Ngọc Toàn
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.