Nêu thực tế hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội còn tồn tại 13 điểm khai thác cát trái phép, gây bức xúc dư luận, thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước, các đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và những giải pháp xử lý tình trạng này.
Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội: "Chúng khai thác 1 - 2 ngày lại nghỉ, và việc khai thác cát giữa dòng sông Hồng, công an huyện và xã không được trang bị lực lượng và phương tiện chuyên dụng để có thể ngăn chặn triệt để. Cát như con gái 18 thường xuyên bị nhòm ngó", nhân dân bức xúc, chủ tịch xã cũng rất áp lực. Xã muốn xin 1 tàu cao tốc, lực lượng chuyên dụng, đề nghị TP hỗ trợ”.
Ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội: “Khó khăn như công an huyện chỉ có 1 xuồng, có 1 đồng chí công an cấp phép lái xuồng đó. Nếu điều tra truy bắt vào ban đêm thì rất phức tạp”.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết, đã giao Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy và công an các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng này. Đồng thời, kiến nghị Sở GTVT phối hợp kiểm tra các tàu chưa đăng kiểm, tiếp tục phối hợp với lực lượng công an kiểm tra giải quyết những phương tiện vi phạm.
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội: “Về phương tiện khai thác cát, đối tượng thường sử dụng tàu có ống hút để khai thác cát trái phép, có trường hợp bán cát ngay trên sông. Hầu hết những phương tiện này đều không có đăng kiểm, biển số. Chúng tôi có nhiều kiến nghị đối với Sở GTVT, đối với các phương tiện không neo đậu trên sông nhưng vẫn phải kiểm tra đăng kiểm. Vì nếu không có phương tiện thì không khai thác được”.
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết thêm, Công an thành phố đã có 25 kiến nghị đối với các Sở, quận, huyện xem xét xử lý dứt điểm đối với các bến bãi không phép; tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng các tỉnh giáp ranh.
Cao Thắng - Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.