Video Tin trong nước

Hội nghị sơ kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm

Tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời điểm hiện nay, vấn đề đặt ra là phải có phương án, giải pháp sử dụng vốn hiệu quả.
18:52 - 07/07/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ Tài chính phải có tầm nhìn bao quát rộng hơn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tổng hợp của Chính phủ trong quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường giá cả, khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng nêu rõ, dù trong bối cảnh nào, ngành tài chính vẫn là huyết mạch của nền kinh tế, vì "có thực mới vực được đạo”, không có nguồn lực tài chính thì khó trong điều hành, vậy nên trong khó khăn, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của ngành tài chính nước nhà. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Cho rằng khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn, Thủ tướng yêu cầu, cần sớm có lời giải cho câu hỏi Bộ Tài chính, ngành tài chính cần tiếp tục làm gì để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, nhiều chuyên gia quốc tế, trong nước đều cho rằng trong bối cảnh khó khăn, công cụ tài khóa cần sử dụng linh hoạt hơn, hiệu quả hơn để góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Tài chính cùng các cấp, các ngành phải phấn đấu cao nhất để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm dự toán thu chi ngân sách đã đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cân đối với các nền kinh tế.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, so với các nước, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ của chúng ta còn dư địa khá lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu các nước có tỉ lệ nợ công rất cao, mặt bằng lãi suất rất thấp thì chúng ta có tỉ lệ nợ công liên tục giảm và đang ở mức khiêm tốn, khoảng 54-55%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất còn cao, tình hình vĩ mô ổn định.

Về quy mô tỉ lệ nợ công trên GDP, chúng ta đã giảm ở mức dưới 55% GDP. Vì vậy, theo Thủ tướng, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài. “Vấn đề đặt ra là phải có phương án, có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả,” Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD) vốn đầu tư công trong năm 2020. Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân khoản vốn đầu tư công này./.

Thực hiện: Vũ Khuyên – Chí Phương

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.