Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Châu Phi: Một lộ trình hợp tác mới bắt đầu
An ninh lương thực và sự phát triển bền vững đối với Châu Phi là điểm nhấn quan trọng tại Hội nghị lần này với cam kết hỗ trợ chưa từng có của Mỹ, lên tới 55 tỷ đôla trong vòng 3 năm tới. Đặc biệt, Hội nghị đã ra một tuyên bố chung về an ninh lương thực, trong đó nhấn mạnh, Mỹ và châu Phi sẽ nỗ lực sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao, kỹ thuật và tài chính để xây dựng hệ thống lương thực và chuỗi cung ứng đa dạng, bền vững và nâng cao năng lực sản xuất của châu Phi.
Tại Hội nghị, Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G20), ủng hộ việc dành một ghế cho châu Phi trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng dành một phiên thảo luận về Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA) dự kiến hết hạn vào năm 2025. (6517) Nhằm củng cố quan hệ thương mại và đầu tư trong tương lai, các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi cũng đã bàn thảo về sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AFCFTA), thúc đẩy an ninh lương thực và tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, y tế, năng lượng tái tạo của lục địa này.
Theo các nhà phân tích, việc Mỹ đưa ra những cam kết chưa từng có tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi cho thấy chính sách “quay trở lại châu Phi” thực tế hơn. Bởi, kể từ sau Chiến tranh lạnh, mặc dù nhiều lần đưa ra sáng kiến, chiến lược đối với châu Phi nhưng sự quan tâm và nỗ lực của Mỹ dành cho châu Phi vẫn chưa đủ để có thể gây dựng một niềm tin và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, kể từ năm 2014, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi. Nga cũng ngày càng nâng cao sức ảnh hưởng tại Lục địa này.